Từ đường Nguyễn Như Quế

 

Di tích hiện đang được bảo tồn tại thôn Đại Trà, xã Đông Phương. Đây là ngôi từ đường do bà con trong dòng họ Nguyễn (còn gọi là Nguyễn Lăng) xây dựng lên để tôn thờ thủy tổ của dòng họ là Nguyễn Như Quế, vị công thần triều Mạc. Do vậy, di tích còn có tên gọi là từ đường Nguyễn Như Quế.

Theo “ Lê triều thông sử” của Lê Quý Đôn thì Nguyễn Như Quế nguyên là tướng của vua Lê Chiêu Tông, người xa Đại Trà, huyện Nghi Dương, nay là thôn Đại Trà, xã Đông Phương. Ông xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo nhưng ham học hỏi, dũng lược hơn người. Lúc thanh niên, tham gia thhi võ, trúng cử ra làm quan cho nhà Lê, được phong tước Dương Xuyên Hầu. Sau khi Mạc Đăng Dung lập ra triều Mạc, Nguyễn Như Quế đã cùng với Vũ Hộ, Mạc Quyết (em Mạc Đăng Dung) đã dốc lòng phò tá. Năm 1541, sau khi Mạc Đăng Dung và Mạc Đăng Doanh chết, Mạc Phúc Hải lên nối ngôi, lúc này Nguyễn Như Quế đang giữ chức Thái úy Trung Quốc Công được cử giữ chức Phụ chính đại thần thứ nhất. Sau đến vua Mạc Phúc Nguyên, Nguyễn Như Quế vẫn tiếp tục công việc phụ chính. Như vậy, Nguyễn Như Quế là một công thần, có công lớn trong việc phụng sự 4 đời vua Mạc.

Khi nhà Lê Trung Hưng trở lại, dòng họ Nguyễn Như Quế ở Đại Trà phiêu bạt khắp nơi, bị truy sát, phải thay tên đổi họ. Theo tộc phả lưu truyền, mãi đến thời Nguyễn khi vua Gia Long lên ngôi, lập ra triều Nguyễn, con cháu Nguyễn Như Quế mới dần quay trở lại quê gốc ở Đại Trà và lập lên ngôi từ đường để tôn thờ Nguyễn Như Quế là thủy tổ của dòng họ. Đến thời vua Nguyễn Tự Đức, Nguyễn Như Quế được ban sắc phong là “ Bậc khai quốc công thần”.

Từ đường Nguyễn Như Quế hiện tại là một công trình kiến trúc cổ truyền gồm 5 gian bái đường và 3 gian hậu cung có bố cục kiến trúc kiểu chữ đinh. Bộ khung làm bằng gỗ lim thể hiện nhiều trang trí điêu khắc đẹp và còn rất chắc chắn. Mái lợp ngói mũi hài. Trong di tích còn bảo lưu được các đồ thờ, 5 đạo sắc phong, 3 bia đá thời Nguyễn rất có giá trị.

Năm 2004, từ đường Nguyễn Như Quế đã được xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa cấp thành phố.