Vang vọng tiếng trống Kim Sơn

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 khắc ghi vào lịch sử dân tộc một dấu mốc vàng son. Cảm xúc tự hào đó càng đậm nét trong tâm trí người dân Kim Sơn (xã Tân Trào, huyện Kiến Thụy) nơi đây diễn ra sự kiện khởi nghĩa giành chính quyền vào ngày 12-7- 1945, thành lập Ủy ban Dân tộc giải phóng Kim Sơn. Từ “Tiếng trống Kim Sơn- Tân Trào kháng Nhật” thắng lợi đã vang dội, lan tỏa, thổi bùng ngọn lửa thôi thúc nhân dân Hải Phòng – Kiến An đứng lên cùng cả nước giành độc lập cho dân tộc.

 

Những ngày thu lịch sử

Đến di tích lịch sử Văn hoá cấp Quốc gia đình làng Kim Sơn những ngày tháng Tám lịch sử, có dịp trò chuyện với các bậc cao niên trong làng, chúng tôi như được sống trong những ký ức về không khí sục sôi cách mạng tại đây 78 năm trước. Giọng sang sảng, cụ Nguyễn Duy Thụ (85 tuổi, nguyên Chủ tịch UBND huyện Kiến Thụy) đọc thơ, giới thiệu đôi câu đối trong đình làng, nhắc lại những ngày phất cao cờ khởi nghĩa… Làng Kim Sơn vốn là vùng đất ven biển sình lầy, từ những năm 20 của thế kỷ trước, cụ Đồ Khanh đề xuất xây dựng chương trình Cải lương Hương chính của làng với chính sách tiến bộ, tạo tiếng vang khắp vùng, làm tiền đề để tiếp thu ánh sáng cách mạng sau này. Bởi vậy, phong trào Việt Minh và lực lượng tự vệ ở làng Kim Sơn phát triển khá sớm và mạnh, trở thành trung tâm của phong trào cách mạng Kiến Thụy.

 

Sáng sớm ngày 12-7- 1945, đông đảo nhân dân, tự vệ Kim Sơn và các làng lân cận kéo về đình làng Kim Sơn, hàng ngũ chỉnh tề, cờ băng, khẩu hiệu, giáo mác oai nghiêm. Tất cả lãnh đạo chủ chốt Việt Minh của tỉnh và các làng lân cận đều có mặt. Theo đó, đồng chí Phạm Thuyên tuyên bố xoá bỏ chính quyền địch, thành lập Ủy ban Dân tộc giải phóng làng Kim Sơn, với 7 thành viên. Chính quyền cách mạng non trẻ của Kim Sơn ra đời làm cho quân Nhật hết sức hoảng hốt. Chúng sợ sẽ “bùng nổ”, tạo thành phản ứng dây chuyền không kiểm soát nổi nên tăng cường lực lượng đàn áp, khủng bố phong trào cách mạng ở Kim Sơn.

 

Cụ Đặng Quang Nghi bồi hồi nhớ lại: Khi đó tôi mới 11 tuổi. Ngày 4-8- 1945, có 40 tên lính Bảo an do sĩ quan Nhật chỉ huy từ Tỉnh lỵ Kiến An kéo về Kim Sơn. Cuộc chiến quyết liệt giữa một bên là lính địch được trang bị đầy đủ súng đạn; một bên chỉ có lòng quả cảm, vài khẩu súng kíp, súng săn, gậy gộc, giáo mác, tro bếp… Tất cả già trẻ, gái trai cùng tự vệ giành giật từng khóm tre, đoạn ngõ. Chứng kiến cảnh nhà bị Nhật đốt cháy, người thân bị giết dã man khiến nhân dân Kim Sơn càng quyết tâm chiến đấu, giành độc lập.

 

Trong đó phải kể đến cụ Nguyễn Thị Tập (cụ Rèn) tuy tuổi cao nhưng với tinh thần “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh” đã xông ra trước ngõ chùa Kim Sơn nổi trống dồn dập, liên hồi báo động giặc Nhật đến. Người làng trên, xóm dưới khua chiêng, gõ trống thôi thúc mọi người xông ra giết giặc. Cụ Đoàn Đắc Mải cầm dao vót nan xông lên chém tên sĩ quan Nhật. Dưới làn đạn địch, chị Nguyễn Thị Bám cùng đội nữ cứu quốc tận tụy giúp các cụ già, em nhỏ tìm nơi trú ẩn an toàn, chị ngã xuống khi tuổi đời mười chín, đôi mươi. Trước sự chiến đấu ngoan cường của tự vệ và nhân dân, đến 12 giờ, địch bị tổn thất nặng nề, buộc phải rút lui…

Tiếp bước truyền thống cha anh

Từ thắng lợi này, ngày 15-8-1945, dưới sự lãnh đạo của Ủy ban dân tộc giải phóng, quần chúng cách mạng Kim Sơn giương cờ đỏ sao vàng tiến về phủ lỵ Kiến Thụy, cùng các địa phương giành chính quyền, tạo phong trào kháng Nhật rộng khắp, cùng cả nước làm nên Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vĩ đại. Kim Sơn khởi nghĩa thành công trước khi có lệnh tổng khởi nghĩa trên toàn quốc một tháng. Cuộc chiến đấu thắng lợi oanh liệt chống địch khủng bố là kết quả của tinh thần yêu nước, ý chí cách mạng kiên cường và lòng quả cảm của nhân dân làng Kim Sơn và nhân dân trong vùng.

 

Âm vang hào hùng của những ngày thu cách mạng luôn là những ký ức đẹp đẽ, thiêng liêng nhất mà suốt cả cuộc đời những người may mắn được chứng kiến như cụ Thụ, cụ Hược, cụ Nghi… không thể nào quên. Ông Đặng Bá Hùng, Trưởng thôn Kim Sơn chia sẻ: Khí thế cách mạng của cha ông cũng truyền lại để sau này lớn lên, khi đất nước cần, chúng tôi sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ. Cũng bởi lẽ đó, từ thời bà nội tôi là cụ Nguyễn Thị Tập, gia đình 4 đời đi theo cách mạng. Phát huy ý chí và tinh thần yêu nước, qua các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, gần 2.000 người con ưu tú Tân Trào lên đường cầm súng đánh giặc. Những người ở hậu phương cũng không quản khó khăn, gian khổ, đấu tranh quyết liệt với kẻ thù trong vùng địch tạm chiếm để xây dựng, củng cố, giữ vững và phát triển phong trào cách mạng.

 

Với những thành tích xuất sắc trước Cách mạng Tháng Tám, trong các cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và những thành tựu đạt được trong công cuộc đổi mới, Đảng bộ và nhân dân xã Tân Trào được Đảng, Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý. Cán bộ và nhân dân làng Kim Sơn được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng có công với nước. Theo Bí thư Đảng ủy xã Tân Trào Đoàn Thị Minh Quý, từ những bài học kinh nghiệm quý báu được đúc kết qua từng năm tháng, với tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Tân Trào quyết tâm đạt mục tiêu giàu về kinh tế, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá, mạnh về quốc phòng an ninh, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, toàn diện, xứng danh với truyền thống xã Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đồng thời, tập trung xây dựng thành công xã nông thôn mới kiểu mẫu, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân./.

Bài và ảnh: Vân Nga-Báo Hải Phòng