TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ XÂY DỰNG, CHỈNH ĐỐN ĐẢNG
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Xây dựng Đảng là quy luật tồn tại và phát triển của Đảng.
1. Tính tất yếu khách quan của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng:
Xây dựng, chỉnh đốn Đảng luôn gắn với quá trình phát triển liên tục của sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo. Trước diễn biến của điều kiện khách quan, bản thân Đảng phải tự chỉnh đốn, tự đổi mới để vươn lên làm tròn trọng trách trước giai cấp và dân tộc. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương trước hết phải xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Người chỉ rõ, Đảng sống trong xã hội, là một bộ phận hợp thành cơ cấu của xã hội. Tổ chức đảng và mỗi cán bộ, đảng viên ở các cấp, giữ các chức vụ đều chịu ảnh hưởng, tác động của môi trường, các quan hệ xã hội, cả cái tốt và cái xấu, cái tích cực, tiến bộ và cái tiêu cực, lạc hậu. Do đó, tổ chức đảng và mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên rèn luyện. Đảng phải thường xuyên chú ý đến việc chỉnh đốn Đảng.
Trên bình diện phát triển cá nhân, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, theo tư tưởng Hồ Chí Minh trở thành nhu cầu tự hoàn thiện, nhu cầu tự làm trong sạch nhân cách của mỗi cán bộ, đảng viên.
Trong điều kiện Đảng đã trở thành Đảng cầm quyền, việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng càng phải tiến hành thường xuyên hơn. Người chỉ rõ: Quyền lực có tính chất hai mặt. Một mặt, quyền lực có sức mạnh to lớn để cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới nếu biết sử dụng đúng. Mặt khác, quyền lực cũng có sức phá hoại ghê ghớm nếu người nắm quyền lực bị thoái hóa, biến chất, biến quyền lực của nhân dân thành đặc quyền của cá nhân…
2. Nội dung công tác xây dựng Đảng theo tư tưởng Hồ Chí Minh:
2.1. Xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng:
Phải dựa vào lý luận khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác – Lênin để xây dựng Đảng vững mạnh về tư tưởng, lý luận. Hồ Chí Minh lưu ý: việc học tập, nghiên cứu, tuyên truyền chủ nghĩa Mác – Lênin phải luôn phù hợp với từng đối tượng. Việc vận dụng những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin phải luôn luôn phù hợp với từng hoàn cảnh cụ thể của nước ta trong từng thời kỳ. Trong quá trình hoạt động, Đảng ta phải chú ý học tập, kế thừa những kinh nghiệm tốt của các đảng cộng sản khác, đồng thời phải tổng kết rút kinh nghiệm của mình để bổ sung chủ nghĩa Mác – Lênin. Đảng ta phải tăng cường đấu tranh để bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa Mác – Lênin. Đồng thời, phải thường xuyên tổng kết thực tiễn, bổ sung, phát triển lý luận giải quyết đúng đắn những vấn đề đặt ra trong quá trình Đảng lãnh đạo. Các nghị quyết của Đảng được xây dựng và tổ chức thực hiện thắng lợi, sẽ ngày càng làm sáng tỏ những vấn đề mới trong thực tiễn, bổ sung và làm cho đường lối của Đảng ngày càng hoàn thiện.
Nội dung xây dựng Đảng về chính trị bao gồm: xây dựng đường lối chính trị, bảo vệ chính trị, xây dựng và thực hiện nghị quyết, xây dựng và phát triển hệ tư tưởng chính trị, củng cố lập trường chính trị, nâng cao bản lĩnh chính trị… Trong các nội dung trên, theo Hồ Chí Minh, đường lối chính trị là một vấn đề cốt tử trong sự tồn tại và phát triển của Đảng. Người cảnh báo nguy cơ sai lầm về đường lối chính trị gây hậu quả nghiêm trọng đối với vận mệnh Tổ quốc, sinh mệnh chính trị của hàng triệu đảng viên và nhân dân lao động.
Đảng cần phải giáo dục đường lối, chính sách của Đảng, thông tin thời sự cho cán bộ, đảng viên để họ luôn luôn kiên định lập trường, giữ vững bản lĩnh chính trị trong mọi hoàn cảnh.
2.2. Xây dựng Đảng về tổ chức:
Về hệ thống tổ chức của Đảng, Hồ Chí Minh khẳng định sức mạnh của Đảng bắt nguồn từ tổ chức. Hệ thống tổ chức của Đảng từ Trung ương đến cơ sở phải thật chặt chẽ, có tính kỷ luật cao. Sức mạnh các tổ chức liên quan chặt chẽ với nhau, mỗi cấp độ tổ chức có chức năng, nhiệm vụ riêng.
Trong hệ thống tổ chức đảng, Hồ Chí Minh rất coi trọng vai trò của chi bộ. Chi bộ là tổ chức hạt nhân, quyết định chất lượng lãnh đạo của Đảng; là môi trường tu dưỡng, rèn luyện, và cũng là nơi giám sát đảng viên. Chi bộ có vai trò quan trọng trong việc gắn kết giữa Đảng với quần chúng nhân dân.
Về công tác cán bộ, Người luôn quan tâm xây dựng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên có đức, có tài. Hồ Chí Minh nhận thức rất rõ vị trí, vai trò của người cán bộ trong sự nghiệp cách mạng. Theo Người: “Cán bộ là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời, đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt ra chính sách đúng. Vì vậy, cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Vì vậy, huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”.
“Cất nhắc cán bộ, không nên làm như “giã gạo”. Nghĩa là trước khi cất nhắc không xem xét kỹ. Khi cất nhắc rồi không giúp đỡ họ. Khi họ sai lầm thì đẩy xuống, chờ lúc họ làm khá, lại cất nhắc lên”.
Theo Người, “Đảng phải nuôi dạy cán bộ, như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu. Phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi một người có ích cho công việc chung của chúng ta”. Tuy nhiên, người cũng yêu cầu: “Khi cất nhắc một cán bộ, cần phải xét rõ người đó có gần gụi quần chúng, có được quần chúng tin cậy và mến phục không. Lại phải xem người ấy xứng với việc gì. Nếu người có tài mà dùng không đúng tài của họ, cũng không được việc. Nếu cất nhắc không cẩn thận, không khỏi đem người bô lô ba la, chỉ nói mà không biết làm, vào những địa vị lãnh đạo. Như thế rất có hại”.
Đặc biệt, Hồ Chí Minh phê bình mạnh mẽ việc cất nhắc, bổ nhiệm cán bộ theo hướng cục bộ, địa phương, “một người làm quan cả họ được nhờ”. Người viết: “Có những đồng chí còn giữ thói “một người làm quan cả họ được nhờ”, đem bà con, bạn hữu đặt vào chức này việc kia, làm được hay không, mặc kệ. Hỏng việc, đoàn thể chịu, cốt là cho bà con, bạn hữu có địa vị là được”. “Tư túng – Kéo bè, kéo cánh, bà con bạn hữu mình, không tài năng gì cũng kéo vào chức này chức nọ. Người có tài có đức, nhưng không vừa lòng mình thì đẩy ra ngoài. Quên rằng, việc là việc công, chứ không phải việc riêng gì dòng họ của ai”. Vì vậy, Người căn dặn: “Cất nhắc cán bộ, phải vì công tác, tài năng, vì cổ động cho đồng chí khác thêm hăng hái. Như thế, công việc nhất định chạy. Nếu vì lòng yêu ghét, vì thân thích, vì nể nang, nhất định không ai phục, mà gây nên mối lôi thôi trong Đảng. Như thế là có tội với Đảng, có tội với đồng bào…”.
2.3. Xây dựng Đảng về đạo đức:
Đảng là đạo đức, là văn minh, nhờ đó Đảng mới trong sạch, vững mạnh. Trong 12 điều xây dựng Đảng chân chính cách mạng, Người nhấn mạnh, Đảng là một tổ chức cách mạng chứ không phải tổ chức để “làm quan phát tài”.
Không như vậy, Đảng sẽ rơi vào thoái hóa, biến dạng, tha hóa, xa dân, tự đánh mất sức mạnh tự bảo vệ. Sức mạnh ấy từ dân mà ra, do dân gây dựng, phát triển.
Người cho rằng: Xây dựng Đảng về đạo đức là cơ hội để mỗi cán bộ, đảng viên tự rèn luyện, giáo dục và tu dưỡng tốt hơn, hoàn thành các nhiệm vụ mà Đảng và Nhân dân giao phó, đặc biệt là giữ gìn phẩm chất đạo đức cách mạng. Cán bộ, đảng viên không phải là thần thánh. Họ là con người, ai cũng có hai mặt tốt – xấu, thiện – ác thường xuyên đấu tranh với nhau. Trong điều kiện môi trường tốt, nếu cán bộ, đảng viên nỗ lực tu dưỡng, phấn đấu, rèn luyện thì mặt tốt, mặt thiện sẽ nổi lên, đẩy lùi mặt ác, mặt xấu và ngược lại.
Hồ Chí Minh đưa ra tiêu chí của một người cán bộ tốt, đó là người cán bộ đó phải vừa có đức, vừa có tài. Trong đó, đạo đức là gốc, Người viết: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”.
3. Về các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng:
3.1. Nguyên tắc tập trung dân chủ:
Tập trung dân chủ là nguyên tắc tổ chức cơ bản trong xây dựng Đảng. Nguyên tắc này thể hiện sự thống nhất hữu cơ, biện chứng giữa “tập trung” và “dân chủ”. Mặt này là điều kiện của mặt kia và ngược lại, về mối quan hệ giữa “tập trung” và “dân chủ” được Hồ Chí Minh khẳng định: tập trung trên nền tảng dân chủ và dân chủ dưới sự chỉ đạo tập trung, là cơ sở của tập trung. Nếu không có sự gắn bó và thống nhất với nhau thì sẽ dẫn tới độc đoán chuyên quyền và tự do vô tổ chức, vô kỷ luật. Tuy nhiên, “tập trung” và “dân chủ” có nội dung cụ thể.
“Tập trung” là thiểu số phục tùng đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên, đảng viên chấp hành vô điều kiện nghị quyết của Đảng. Từ đó, làm cho Đảng ta “tuy nhiều người, nhưng khi tiến đánh chỉ như một người”.
Còn dân chủ theo Hồ Chí Minh, là của quý báu nhất của nhân dân, là thành quả của cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng. Dân chủ được thể hiện tư tưởng phải được tự do. Tự do là thế nào? Đối với mọi vấn đề, mọi người được quyền tự do bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý. Đó là một quyền lợi, mà cũng là một nghĩa vụ của mọi người. Khi mọi người đã phát biểu ý kiến, đã tìm thấy chân lý, lúc đó quyền tự do tư tưởng hóa ra quyền tự do phục tùng chân lý. Hồ Chí Minh nhấn mạnh đến việc thực hiện và phát huy dân chủ nội bộ, vì nếu không có dân chủ nội bộ thì sẽ làm cho “nội bộ của Đảng âm u”. Hơn nữa, dân chủ trong Đảng mới có thể nói dân chủ trong xã hội, mới định hướng cho việc xây dựng một chế độ dân chủ thật sự.
3.2. Nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách:
Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách là nguyên tắc lãnh đạo hay chế độ lãnh đạo của Đảng. Nguyên tắc này cũng có hai mặt gắn bó mật thiết với nhau, gần với nguyên tắc tập trung dân chủ vì tập thể lãnh đạo là dân chủ, cá nhân phụ trách là tập trung. Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách là dân chủ tập trung. Người viết: “Vì sao cần phải có tập thể lãnh đạo? Vì một người dù khôn ngoan tài giỏi mấy, dù nhiều kinh nghiệm đến đâu, cũng chỉ trông thấy, chỉ xem xét được một hoặc nhiều mặt của một vấn đề, không thể trông thấy và xem xét tất cả mọi mặt của một vấn đề. Vì vậy, cần phải có nhiều người. Nhiều người thì nhiều kinh nghiệm. Người thì thấy rõ mặt này, người thì trông thấy rõ mặt khác của vấn đề đó. Góp kinh nghiệm và sự xem xét của nhiều người, thì vấn đề đó được thấy rõ khắp mọi mặt. Mà có thấy rõ khắp mọi mặt, thì vấn đề ấy mới được giải quyết chu đáo, khỏi sai lầm”.
Cá nhân phụ trách là trên cơ sở bàn bạc lỹ lưỡng của tập thể, kế hoạch định rõ ràng rồi thì giao cho một người hoặc một nhóm người phụ trách theo kế hoạch đó mà thi hành, để xác định rõ trách nhiệm và phát huy vai trò của mỗi cá nhân. Người viết “việc gì đã được đông người bàn bạc kỹ lưỡng rồi, kế hoạch định rõ ràng rồi, thì cần phải giao cho một người hoặc một nhóm ít người phụ trách theo kế hoạch đó mà thi hành. Như thế mới có chuyên trách, công việc mới chạy. Nếu không có cá nhân phụ trách thì sẽ sinh ra cái tệ người này ủy cho người kia, người kia ủy cho người nọ, kết quả là không ai thi hành. Như thế thì việc gì cũng không xong”. Trong khi thực hiện nguyên tắc phải chống lại căn bệnh độc đoán chuyên quyền, hay ngược lại, dựa dẫm vào tập thể, không dám quyết đoán, không dám chịu trách nhiệm. Hồ Chí Minh nêu rõ: “Lãnh đạo không tập thể, thì sẽ đi đến cái tệ bao biện, độc đoán, chủ quan. Kết quả là hỏng việc. Phụ trách không do cá nhân thì sẽ đi đến cái tệ bừa bãi, lộn xộn, vô chính phủ. Kết quả cũng là hỏng việc. Tập thể lãnh đạo và cá nhân phụ trách cần phải luôn luôn đi đôi với nhau”.
3.3. Nguyên tắc tự phê bình và phê bình:
Tự phê bình và phê bình là nguyên tắc sinh hoạt của Đảng, là quy luật phát triển của Đảng. Ý nghĩa của nguyên tắc này là ở chỗ Đảng cũng từng trong xã hội mà ra nên có những căn bệnh trong xã hội lây ngấm vào Đảng. Cá nhân đảng viên, cán bộ cũng là con người, cũng có cái tốt, xấu, thiện, ác trong lòng. Con người ta không phải là thánh thần, ai cũng có khuyết điểm cả. Vì vậy, tự phê bình và phê bình cũng giống như việc rửa mặt hằng ngày, làm cho phần tốt trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân, phần xấu mất dần đi. Cán bộ, đảng viên có khuyết điểm giống như người có bệnh. Vì vậy phải uống thuốc. Tự phê bình là thuốc đắng nhưng giã tật. Ngược lại, nếu không tự phê bình thì như người có bệnh mà không uống thuốc, để bệnh ngày càng nặng thêm. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”.
Tự phê bình và phê bình nhằm làm cho Đảng vững mạnh, cán bộ, đảng viên tiến bộ, để chữa các bệnh trong Đảng. Đó cũng là một trong những cách tốt nhất để thực hành dân chủ rộng rãi trong Đảng, giữ vững và củng cố uy tín của Đảng.
Tuy nhiên, một điều rất quan trọng là cách thức tự phê bình và phê bình. Hồ Chí Minh thường dặn phải thường xuyên, nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình trên cơ sở tình đồng chí thương yêu lẫn nhau. Trong phê bình và tự phê bình phải thật thà, thẳng thắn, không nể nang, không giấu giếm, không thêm bớt khuyết điểm. Phê bình và tự phê bình là vấn đề khoa học và là nghệ thuật. Vấn đề không phải luôn luôn dùng mà còn phải khéo dùng cách phê bình và tự phê bình. Cán bộ chủ chốt, lãnh đạo càng phải gương mẫu tự phê bình và phê bình. Phải tuyệt đối chống các biểu hiện không đúng trong phê bình và tự phê bình như: thiếu trung thực, che giấu khuyết điểm của bản thân, sợ phê bình, không dám phê bình, nể nang, né tránh, “dĩ hòa vi quý”, hoặc ngược lại, lợi dụng phê bình để nói xấu, bôi nhọ, vùi dập, đả kích người khác.
3.4. Nguyên tắc kỷ luật nghiêm minh, tự giác:
Sức mạnh của một tổ chức và của mỗi đảng viên bắt nguồn từ ý thức tổ chức kỷ luật nghiêm minh, tự giác. Tính nghiêm minh của kỷ luật Đảng đòi hỏi tất cả mọi tổ chức đảng, tất cả mọi đảng viên đều phải bình đẳng trước Điều lệ Đảng, trước pháp luật của Nhà nước, trước mọi quyết định của Đảng.
Đồng thời, Đảng ta là một tổ chức gồm những người tự nguyện phấn đấu cho lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, cho nên tự giác là một yêu cầu bắt buộc đối với mọi tổ chức đảng và đảng viên. Tính nghiêm minh, tự giác đòi hỏi ở đảng viên phải gương mẫu trong cuộc sống, công tác. Uy tín của Đảng bắt nguồn tự sự gương mẫu của mỗi đảng viên trong việc tự giác tuân thủ kỷ luật của Đảng, của Nhà nước, của đoàn thể nhân dân.
3.5. Nguyên tắc đoàn kết thống nhất trong Đảng:
Đoàn kết thống nhất phải dựa trên cơ sở lý luận của Đảng là chủ nghĩa Mác – Lênin; cương lĩnh, Điều lệ Đảng; đường lối, quan điểm của Đảng; nghị quyết của tổ chức đảng các cấp.
Muốn đoàn kết thống nhất phải thực hành dân chủ rộng rãi ở trong Đảng, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình, thường xuyên tu dưỡng đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân và các biểu hiện tiêu cực khác, phải “sống với nhau có tình có nghĩa”. “Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Có đoàn kết tốt thì mới tạo ra cơ sở vững chắc để thống nhất ý chí và hành động, làm cho “Đảng ta tuy nhiều người, nhưng khi tiến đánh thì chỉ như một người”.
Tác giả: Ban Tuyên giáo Huyện ủy
Nguồn tin: Ban Tuyên giáo Huyện ủy