Tư tưởng Hồ Chí Minh về thể dục thể thao và sự vận dụng của Đảng vào sự nghiệp chấn hưng dân tộc, xây dựng đất nước hùng cường, phồn thịnh

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khai sinh ra nền thể dục thể thao cách mạng và để lại tư tưởng về thể dục thể thao có ý nghĩa lý luận, thực tiễn sâu sắc. Đảng cần kế thừa và phát triển trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt trong sự nghiệp chấn hưng dân tộc, xây dựng đất nước phồn vinh, hùng cường bởi sức khỏe của nhân dân là một trong những nhân tố to lớn quyết định sự phát triển đất nước hướng tới dân giàu, nước mạnh.
       Người đã quan tâm tới công tác thể dục thể thao xác định vai trò quan trọng của thể dục thể thao là tăng cường sức khỏe nhân dân. Bác chỉ ra: “Muốn lao động sản xuất tốt, công tác và học tập tốt thì cần có sức khỏe. Muốn giữ sức khỏe thì nên phát triển phong trào thể dục thể thao cho rộng khắp”[3]. Thông qua phục vụ sức khỏe cho mọi người, thể dục thể thao góp phần phục vụ tất cả các hoạt động phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục…
Bác Hồ luyện tập thể dục thể thao
Theo Bác, thể dục thể thao phải phục vụ quần chúng nhân dân. Người chỉ rõ: “Dưới chế độ dân chủ, thể thao và thể dục phải trở thành hoạt động chung của quần chúng, nhằm mục đích làm tăng cường sức khỏe nhân dân. Nhân dân có sức khỏe thì mọi công việc đều làm được tốt”[1]. Để quần chúng nhân dân tham gia đông đảo, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng công tác tuyên truyền về lợi ích của thể dục thể thao.
Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng thể dục thể thao đối với thế hệ trẻ vì đây là lực lượng tương lai của đất nước, trong đó có giáo dục thể chất tuổi trẻ học đường trong nền giáo dục toàn diện. Người đã chỉ ra những yếu tố cơ bản của nền giáo dục toàn diện gồm thể dục, trí dục, đức dục và mỹ dục. Đây là bốn yếu tố cơ bản có quan hệ mật thiết với nhau trong một chỉnh thể thống nhất giáo dục và đào tạo con người phát triển toàn diện. Trong đó, thể dục được đặt lên hàng đầu, là tiền đề đầu tiên để phát triển các yếu tố khác.
Bên cạnh đó, Người cũng lưu ý phải phát triển thể thao thành tích cao vừa phấn đấu giành vinh quang của dân tộc về mặt thể thao, vừa thúc đẩy thể dục thể thao quần chúng vì sức khỏe cho mọi người dân. Để thể thao thành tích cao phát triển phải chú trọng giáo dục, nâng cao trình độ chuyên môn và phẩm chất đạo đức của các cán bộ và vận động viên. Người căn dặn cán bộ: “Cán bộ thể dục thể thao thì phải học tập chính trị, nghiên cứu nghiệp vụ và hăng hái công tác”[4]. Đối với vận động viên, phải không ngừng rèn luyện, học hỏi và khiêm tốn trong thi đấu thắng không kiêu bại không nản.
Trong sự nghiệp chấn hưng dân tộc tức là làm cho đất nước hưng thịnh và phát triển hơn trước, không chỉ kỳ vọng về một đất nước giàu mạnh, phồn vinh mà còn hòa bình, hạnh phúc, ngày càng hùng cường và khẳng định được vị thế trên trường quốc tế. Đảng và Nhà nước đã vận dụng Tư tưởng Hồ Chí Minh về thể dục thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII xác định phải: “Đẩy mạnh phát triển sự nghiệp thể dục thể thao, nâng cao sức khỏe cho người dân cả về thể chất, tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ cũng như chất lượng cuộc sống”[2] để góp phần hiện thực hóa khát vọng hùng cường của dân tộc. Các chủ trương này được chỉ đạo thực hiện trong thực tiễn đã mở ra hướng phát triển mới cho ngành thể dục thể thao.             Để phát triển các hoạt động thể dục thể thao trong sự nghiệp chấn hưng dân tộc, góp phần hiện thực hóa khát vọng hùng cường của đất nước cần thực hiện một số giải pháp sau:
        Một là, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác thể dục thể thao quần chúng và đẩy mạnh công tác đào tạo cộng tác viên là cán bộ đoàn, hội phụ nữ, người cao tuổi về phát triển các câu lạc bộ thể dục thể thao nhằm hướng dẫn người dân tập luyện.
          Hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân ở miền núi về lợi ích và các bài tập luyện thể dục thể thao nhằm nâng cao sức khỏe vì đặc điểm chung của khu vực miền núi là nơi có rất đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trình độ dân trí chưa cao nên nhận thức về tác dụng của thể dục thể thao còn hạn chế.
       Ba là, nâng cao hiệu quả đào tạo tài năng thể thao, chú trọng đội ngũ kế cận có chất lượng, phát triển các trường, lớp năng khiếu thể thao ở các tỉnh, thành phố. Đổi mới tổ chức, quản lý thể thao thành tích cao theo hướng chuyên nghiệp và ưu tiên đầu tư cho những môn thể thao trọng điểm. Tập trung quan tâm đầu tư và có một chiến lược đào tạo trẻ bài bản sẽ giúp chúng ta từng bước xây dựng được một nền thể thao phát triển ổn định và bền vững.
       Bốn là, Bên cạnh việc đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật và các thiết bị cần thiết  huấn luyện, thi đấu, tạo dựng phong trào tập luyện ở cơ sở, làm nền tảng sâu rộng và nguồn lực cho sự phát triển của thể thao đỉnh cao, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành thể thao Việt Nam là đầu tư chuẩn bị lực lượng thi đấu, không chỉ cho một vài kỳ giải hay đại hội khu vực mà còn cần nhìn xa hơn đến các sân chơi lớn.
       Năm là, tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài và cán bộ thể dục thể thao, đặc biệt trong các đội tuyển quốc gia, với việc thực hiện Chỉ thị  về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Để khát vọng Việt Nam hùng cường không phải là một khẩu hiệu suông mà chính là mục tiêu, động lực để tất cả chúng ta cùng nỗ lực, phấn đấu thì đảng viên và mỗi người dân phải ý thức được rằng việc ra sức luyện tập thể dục thể thao tăng cường sức khỏe và nâng cao ý thức chính trị, tình cảm cao đẹp chính là tiền đề quan trọng. Đặc biệt, lĩnh vực thể theo thành tích cao phải có sự tiến bộ rõ rệt, góp phần nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế sánh vai với các cường quốc năm châu và hiện thực hóa được khát vọng.
Theo Khoa giáo dục Chính trị và Thể chất
Đại học Quốc gia Hà Nội