Quy định 85-QĐ/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng: nâng cao hơn nữa trách nhiệm nghĩa vụ của cán bộ, đảng viên trong thiết lập và sử dụng trang thông tin điện tử cá nhân.

Hiện nay gần như hầu hết cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đều có sử dụng ít nhất một tài khoản mạng xã hội để phục vụ cho việc theo dõi thông tin, giải trí, ngoài ra còn phục vụ cho công việc, công tác tuyên truyền… Để định hướng cho cán bộ, đảng viên khi tham gia các mạng xã hội, các cấp ủy, tổ chức đảng thường xuyên quán triệt, tuyên truyền các quy định của Đảng liên quan đến việc sử dụng Internet, mạng xã hội của cán bộ, đảng viên. Gần đây nhất là Quy định số 85-QĐ/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc cán bộ, đảng viên thiết lập và sử dụng trang thông tin điện tử cá nhân.
Thời gian qua đã có nhiều cán bộ, đảng viên thường xuyên, tích cực tham gia tuyên truyền trên Internet, mạng xã hội góp phần lan tỏa các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước ở địa phương; giúp nâng cao tinh thần cảnh giác trước âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch. Nhiều cán bộ, đảng viên tham gia đăng tải, chia sẻ thông tin tích cực, tốt đẹp; chủ động đấu tranh phản bác thông tin xấu, độc, quan điểm sai trái, thù địch, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, tạo môi trường văn hóa lành mạnh trên không gian mạng.
Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều cán bộ, đảng viên chưa nắm rõ và đầy đủ các quy định, từ đó có nguy cơ vi phạm khi tham gia mạng xã hội; một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa thường xuyên sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; lan tỏa thông tin, hình ảnh tích cực. Một số cán bộ, đảng viên còn thờ ơ, ít hoặc không thể hiện quan điểm, chính kiến của mình đối với các vấn đề quan tâm dù thông tin đó là sai; khả năng phản bác thông tin xấu, độc, quan điểm sai trái, thù địch còn hạn chế; một số ít còn chia sẻ những bài viết chưa được kiểm chứng, thông tin giả, sai sự thật. Việc phát hiện, báo cáo, đề xuất với lãnh đạo biện pháp đấu tranh, xử lý đối với các thông tin xấu, độc còn hạn chế…
Quy định 85-QĐ/TW của Ban Bí thư là quy định mới và được ban hành rất kịp thời, nhằm mục tiêu nâng cao hơn nữa trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi cán bộ, đảng viên, phát huy tính tiên phong, gương mẫu trong việc thiết lập và sử dụng các trang thông tin điện tử cá nhân trên môi trường mạng, góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng. Theo đó, Quy định 85-QĐ/TW chỉ rõ các nội dung mà cán bộ, đảng viên cần thực hiện khi thiết lập và sử dụng trang thông tin điện tử cá nhân; trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng trong quản lý, giám sát cán bộ đảng viên sử dụng mạng xã hội, trang thông tin điện tử cá nhân.
Để thực hiện tốt Quy định 85-QĐ/TW của Ban Bí thư và các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến sử dụng Internet, mạng xã hội, các cấp ủy, tổ chức đảng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác tuyên truyền, quán triệt, hướng dẫn cán bộ, đảng viên thực hiện nghiêm các quy định liên quan đến việc sử dụng Internet, mạng xã hội. Thường xuyên theo dõi, nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện các trang thông tin giả mạo, xấu, độc, xuyên tạc để phối hợp với cơ quan chức năng nhanh chóng xử lý. Tăng cường quản lý, giám sát cán bộ, đảng viên thuộc quyền trong việc sử dụng Internet, mạng xã hội; kịp thời phát hiện để chấn chỉnh, xử lý các hành vi vi phạm.
Thường xuyên giáo dục chính trị tư tưởng, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên thực hiện nội quy, quy chế của cơ quan, các quy định về bảo vệ Bí mật nhà nước; theo dõi diễn biến tư tưởng, tâm trạng của cán bộ, đảng viên; động viên, khích lệ cán bộ, đảng viên phát huy vai trò tích cực khi tham gia mạng xã hội, hướng tới xây dựng môi trường mạng lành mạnh, an toàn.
Đối với cán bộ, đảng viên, cần phải tiếp tục thực hiện tốt việc thực hiện nêu gương; việc chấp hành quy định “những điều đảng viên không được làm”. Cán bộ, đảng viên là lãnh đạo phải tiêu biểu, gương mẫu, đồng thời nhắc nhở cán bộ, đảng viên khi sử dụng mạng xã hội phải văn hóa, văn minh; phải là nhân tố tích cực để tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, các phong trào thi đua yêu nước; kịp thời cung cấp, định hướng thông tin đúng về những vấn đề, sự việc phức tạp, nhạy cảm mà Nhân dân quan tâm. Tuyên truyền, lan tỏa các hình ảnh, thông tin tích cực như gương người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến, các câu chuyện có giá trị nhân văn…
Mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn gương mẫu, chuẩn mực khi phát ngôn trên mạng xã hội; phải tìm hiểu, nắm rõ thông tin, trước khi chia sẻ, đăng tải. Từ đó hình thành tác phong ứng xử văn minh trên mạng xã hội, góp phần tạo niềm tin, động lực tích cực trong cộng đồng.
Không ngừng nghiên cứu, học tập để nâng cao trình độ, nhận thức chính trị, năng lực hiểu biết kiến thức xã hội, từ đó tích cực bày tỏ quan điểm, chính kiến; nhận dạng, đấu tranh phản bác thông tin xấu, độc, các quan điểm sai trái, thù địch. Chủ động báo cáo, đề xuất với lãnh đạo về biện pháp đấu tranh, xử lý thông tin xấu, độc.
QĐND