Xã Đại Đồng có diện tích tự nhiên 553,54ha, với 333,31ha đất nông nghiệp chủ yếu là đất cấy lúa. Với địa hình đất không đồng đều, ruộng đất manh mún, cộng với tốc độ đô thị hóa nhanh, cơ cấu ngành nghề có nhiều thay đổi đã ảnh hưởng một phần đến tư tưởng sản xuất nông nghiệp của người dân, dẫn đến diện tích bỏ hoang ngày một tăng.
Nhận thấy việc bỏ hoang ruộng đất gây lãng phí tài nguyên, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc quản lý, bảo tồn và phát triển tài nguyên đất. Đảng ủy – Hội đồng nhân dân – Uỷ ban nhân dân (UBND) – Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã đã tổ chức họp và thảo luận để cùng đưa ra giải pháp khắc phục tình trạng bỏ hoang ruộng đất ở địa phương. Trong đó, xã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân cấy hết diện tích đất nông nghiệp; Đồng thời khuyến khích Nhân dân thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất. Tính đến ngày 31/12/2022 trên địa bàn xã đã thực hiện dồn đổi 48,7ha đất nông nghiệp.
Cùng với đó, xã quy hoạch xây dựng các vùng sản xuất phù hợp với địa hình và điều kiện của từng khu vực; Xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng hàng năm, kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo giai đoạn 2021 – 2025. Tạo mọi điều kiện để Nhân dân thực hiện các thủ tục tích tụ ruộng đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa năng suất thấp, kém hiệu quả theo quy định của Nhà nước và chỉ đạo của các ngành chức năng có thẩm quyền.
Xác định việc tích tụ ruộng để hình thành lên các mô hình sản xuất tập trung là giải pháp hữu hiệu để giải quyết bài toán người nông dân bỏ hoang hóa đất nông nghiệp và tạo thuận lợi để ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và đưa cơ giới hóa túc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa, tăng hiệu quả kinh tế trên cùng diện tích đất canh tác, UBND xã đã thực hiện nhiều biện pháp tuyên truyền, vận động, khuyến kích Nhân dân tích tụ ruộng đất thực hiện các mô hình sản xuất tập trung, các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng sinh thái và nông nghiệp công nghệ cao như: Chính quyền địa phương, nông dân ủy quyền cho thôn ký với tổ chức, cá nhân hợp đồng thuê đất dưới sự xác nhận của UBND xã tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân có đất yên tam và các đơn vị đầu tư đến thuê đất xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả kinh tế cao mang tính bền vững, gắn bó. Với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị trong xã, cùng việc thực hiện đồng thời giải pháp: Hỗ trợ đầu tư kinh phí, định hướng hoàn thiện hồ sơ theo pháp luật để thành lập đơn vị vào đầu tư sản xuất khắc phục diện tích hoang hóa, tạo điều kiện tốt nhất cho các tổ chức, cá nhân tích tụ và thực hiện. Việc khắc phục diện tích bỏ hoang của xã đến nay đã có nhiều chuyển biến tích cực. Xã đã khắc phục được gần 120ha, bằng 85% diện tích đất bỏ hoang trên địa bàn. Các vùng sản xuất tập trung được xã đánh mã vùng gồm: Vùng trồng đào cảnh, vùng trồng dưa hấu, vùng trồng lúa ST2 và trồng rau quả công nghệ cao theo hướng hữu cơ,…tạo thuận lợi cho việc thương mại hóa các sản phẩm nông nghiệp của địa phương. Trên địa bàn xã hiện có 2 mô hình sản xuất nông nghiệp, thành lập 2 hợp tác xã để có sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP theo hướng sinh thái là: Mô hình trồng sen, kết hợp với du lịch sinh thái của thôn Phong Cầu 1 và Phong Cầu 2, với tổng diện tích trên 5ha và mô hình nông nghiệp công nghệ cao: Mô hình trồng rau sạch hữu cơ của HTX nông nghiệp công nghệ cao Đại Đồng, với diện tích 1,1ha và mô hình sản xuất lúa ST2 diện tích 50ha. Các mô hình sản xuất đã cho hiệu quả cao, tạo sức lan tỏa trong Nhân dân, từ đó tạo động lực tích cực để Nhân dân trong xã tích cực đầu tư vào sản xuất, làm giầu trên mảnh đất quê hương.
Là những hộ đầu tiên của xã tiên phong trong thực hiện mô hình chuyển đổi diện tích ruộng canh tác sang trồng sen, gia đình ông Lương Văn Tòa ở thôn Phong Cầu 1 và hộ ông Lương Văn Kiên ở thôn Phong Cầu 2 đã mạnh dạn chuyển đổi 27 ha ruộng canh tác của gia đình và thuê mượn thêm một số diện tích liền kề chuyển sang trồng Sen. Theo dự kiến năm 2023, gia đình ông Lương Văn Tòa tiếp tục nhận với địa phương mở rộng thêm khoảng 15 ha.
Tìm hiểu thực tế được biết: 2 hộ đã chủ động học hỏi quy trình trồng và chăm sóc Sen qua các phương tiện thông tin đại chúng áp dụng vào thực tế sản xuất. Nhờ đó, ngay từ năm đầu trồng Sen đã đạt hiệu quả kinh tế cao hơn so với cấy lúa. Nói về kỹ thuật trồng Sen, 2 hộ cho biết: Khác với cây lúa, cây sen bén rễ và sinh trưởng tốt trên vùng đất này. Điều đặc biệt là thời gian thu hoạch ngó sen kéo dài quanh năm nên lúc nào cũng có thu nhập. Vào mùa thu hoạch rộ, tức là từ tháng 12 đến tháng 7 âm lịch, Sen cho Ngó mỗi ngày với khoảng 30-40kg/ha còn vào mùa nghịch thì năng suất giảm đi 1 nửa, thời gian thu hoạch cũng kéo dài hơn, phải mất 2,3 ngày mới hái ngó 1 lần. Giá Ngó Sen dao động theo mùa, trung bình từ 30-50 nghìn đồng/kg. Theo ước tính, trồng Sen cho thu nhập cao gấp nhiều lần so với các cây trồng khác cùng diện tích và cùng thời điểm. Hiện tại thị trường Sen đang rất dễ bán, giá cả thì ổn định và được thị trường ưa chuộng. Mỗi ha trồng Sen cho năng suất trung bình khoảng trên 2 tấn/ha với thu nhập từ 80-120 triệu đồng/ha, trừ chi phí lãi ròng đạt từ 60-80 triệu đồng/ha.
Qua thực tế từ 2 hộ trồng sen tại địa phương, nhận thấy cây Sen là một trong những giải pháp hiệu quả trong sử đất đai, hạn chế việc bỏ hoang ruộng đất, nâng cao thu nhập cho người nông dân, đa dạng hóa các loại sản phẩm nông nghiệp tại địa phương, xã Đại Đồng đã tập trung chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ dồn đổi, tích tụ ruộng đất, tạo tiền đề để thực hiện khâu đột phá về sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn mới. Theo đồng chí Lương Văn Thành- Phó Chủ tịch UBND xã được biết: Năm 2022, trên địa bàn xã có 30 ha ruộng sâu trũng cấy lúa năng suất thấp không canh tác bỏ hoang nằm rải rác trên khu đồng các thôn Phong Quang, Đức Phong và Phong Cầu. Xã chỉ đạo các ban ngành đoàn thể cùng với cơ sở thôn khuyến khích nhân dân tích tụ ruộng đất xây dựng vùng sản xuất tập trung. Đối với những diện tích đất bỏ hoang địa phương tạo điều kiện hỗ trợ kinh phí để nông dân cải tạo đồng ruộng trồng Sen. Học tập và làm theo hộ gia đình ông Lương Văn Tòa và hộ ông Lương Văn Kiên, đến nay xã đã có thêm 9 hộ thực hiện trồng Sen trên diện tích 25ha ruộng bỏ hoang.
Mô hình trồng Sen trên diện tích ruộng sâu trũng, khó canh tác, diện tích đất hoang hóa đã và đang là hướng đi mới đầy triển vọng cho bà con nông dân trên địa bàn huyện Kiến Thụy nói chung, xã Đại Đồng nói riêng. Tuy nhiên, hiện nay các hộ thực hiện mô hình này mới chỉ dừng lại ở việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng chứ chưa có sự thâm canh, đầu tư cao để tăng giá trị sản xuất, làm giàu từ cây trồng này. Sản phẩm chủ yếu là Ngó Sen và Củ Sen bán ra thị trường chứ chưa thể khai thác tận thu, tận dụng hết giá trị từ cây Sen. Vì vậy trong thời gian tới, mô hình rất cần sự quan tâm hơn nữa từ các cấp, các ngành và địa phương để mô hình có cơ hội phát triển, tạo dựng thành thương hiệu nông sản đặc trưng của quê hương Kiến Thụy trong thời kỳ hội nhập và phát triển.
Từ thực tế mô hình trồng Sen đang là hướng đi mới trong phát triển kinh tế nông nghiệp. tuy nhiên trong quá trình thực hiện tích tụ ruộng đất, khắc phục tình trạng bỏ hoang ruộng đất xã Đại Đồng cũng gặp nhiều khó khăn như: Tâm lý của người dân còn e ngại về việc cho thuê, mượn ruộng đất để các đơn vị thực hiện mô hình, nâng tính ổn định dài hạn từ 5 – 10 năm. Việc đầu tư ban đầu vào các mô hình là rất lớn, nên rất kén nhà đầu tư, Nhân dân thì thiếu vốn, không đủ năng lực triển khai; thị trường tiêu thụ sản phẩm chưa ổn định, khâu bảo quản sơ chế ban đầu chưa được quan tâm nên rất khó khăn đối với nguồn đầu tư. Bên cạnh đó, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn rất ít; tình trạng phá vỡ hợp đồng ở cả hai phía doanh nghiệp, đơn vị và hộ dân vẫn còn xảy ra ở một số nơi nên mô hình liên kết không nhiều và thiếu tính bền vững.
Từ thực tế thực hiện tích tụ ruộng đất, phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao ở địa phương, xã Đại Đồng rất mong được cấp trên tiếp tục quan tâm tạo điều kiện về cơ chế chính sách, để Nhân dân có cơ hội phát triển sản xuất tập trung, nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, đem lại thu nhập cao từ đó nông dân gắn bó hơn với đồng ruộng.
Tác giả: Vân Anh – Trung tâm VH-TT và thể thao huyện Kiến Thuỵ, thành phố Hải Phòng