Sáng 9/12, tại Trung tâm Hội nghị TP Hải Phòng, UBND TP Hải Phòng và Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo Khoa học Quốc gia “Vương Triều Mạc trong tiến trình lịch sử Việt Nam”.
Quang cảnh Hội thảo
Tham dự Hội thảo về phía các cơ quan Trung ương có: Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang; PGS. TS. Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; GS. TSKH. NGND Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Trường Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; cùng các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện Trung ương; các Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Hội Khảo cổ học Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam; đại diện các dòng họ: Mạc, Vũ, Trần và các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu trên khắp cả nước.
Lãnh đạo TP Hải Phòng tham dự Hội thảo
Về phía TP. Hải Phòng có: Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu; Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cùng lãnh đạo các ban, sở, ngành thành phố và huyện Kiến Thụy.
Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Lê Khắc Nam; Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Trần Thị Hoàng Mai và GS.TSKH. NGND Vũ Minh Giang đồng chủ trì Hội thảo.
Chủ tọa điều hành Hội thảo
Phát biểu chào mừng Hội thảo, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cho biết, Hải Phòng là nơi phát tích của Vương triều Mạc, với thời gian trị vì tại kinh thành Thăng Long không nhiều nhưng đã để lại những dấu ấn sâu đậm trong lịch sử nước nhà.
“Việc tổ chức Hội thảo là việc làm có ý nghĩa nhân dịp kỷ niệm 540 năm ngày sinh của Vua Thái Tổ Mạc Đăng Dung (22/12/1483). Kết quả của Hội thảo sẽ là những luận cứ khoa học, những sử liệu tin cậy, góp phần cho việc nhìn nhận khách quan, công bằng đối với sự đóng góp của Vương triều này và được thể hiện xứng tầm trong bộ Quốc sử của nước ta”, ông Tùng nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch UBND TP Hải Phòng, tại TP. Hải Phòng, trong những năm qua, chính quyền và nhiều đơn vị cùng với Hội đồng Mạc tộc đã có những hoạt động, những việc làm cụ thể, nhằm tôn vinh sự đóng góp và những di sản của Vương triều này để lại. Tiêu biểu là các cuộc Hội thảo về thân thế, sự nghiệp của Mạc Thái Tổ, Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn, Ninh Vương Mạc Phúc Tư, Phật giáo thời Mạc, chợ thời Mạc hoặc dành một chương biên soạn về nhà Mạc trong bộ Lịch sử Hải Phòng 4 tập, xuất bản đầu năm 2021, đưa vào Tài liệu giáo dục địa phương (môn Lịch sử) và nhiều nhà khoa học đã xuất bản những ấn phẩm về Vương triều Mạc.
Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng phát biểu tại Hội thảo
Nhiều di sản nhà Mạc để lại đã được tôn vinh, như xây dựng Khu Tưởng niệm trên địa bàn cố đô Dương Kinh xưa, lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng cấp Quốc gia, cấp thành phố, công nhận Bảo vật Quốc gia, duy trì Lễ hội Minh Thề (Di sản Văn hóa phi vật thể), đặt tên những danh nhân thời Mạc cho đường, phố và công trình công cộng.
Phát biểu tại Hội thảo, GS. TSKH.NGND Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Trường Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho biết: Trong lịch sử Việt Nam, Vương triều Mạc tồn tại 150 năm, bao gồm 2 giai đoạn: 65 năm trị vì ở Thăng Long (1527-1592) và 85 năm đóng đô ở Cao Bằng (1592-1677). Suốt thời kỳ đó, đặc biệt là giai đoạn cầm quyền ở Thăng Long, triều Mạc đã có những đóng góp quan trọng trên nhiều phương diện đối với lịch sử đất nước. Tuy nhiên, do những hạn chế mang tính cố hữu, chủ yếu xuất phát bởi quan điểm chính trị từ thời Lê – Nguyễn, đã dẫn tới những nhận thức sai lệch, thiếu khách quan và không công bằng về Nhà Mạc.
GS. TSKH.NGND Vũ Minh Giang phát biểu
Trong khoảng bốn thập niên trở lại đây, cùng với xu hướng phát triển đất nước và hội nhập quốc tế của Việt Nam, dựa trên quan điểm đổi mới sử học và những thành tựu khoa học – công nghệ, nhận thức chung không chỉ giới nghiên cứu lịch sử, mà còn của cả xã hội đã từng bước thay đổi. Nhận thức về Vương triều Mạc và thời đại Nhà Mạc từng bước được nâng lên. Mọi khía cạnh về chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa, xã hội Đại Việt thời Mạc được nghiên cứu, luận giải một cách khách quan, khoa học và toàn diện hơn, cho thấy cả những mặt tích cực và hạn chế của Nhà Mạc, từ đó đi tới những đánh giá gần với thực tế hơn về công lao, đóng góp của triều đại này đối với lịch sử dân tộc.
Các đại biểu tham dự Hội thảo
Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được gần 60 báo cáo tham luận của các nhà khoa học, nhà quản lý đến từ nhiều cơ quan trên khắp cả nước. Các báo cáo có nội dung nghiên cứu về bối cảnh ra đời Vương triều Mạc, tâm thế chính trị và phương cách lựa chọn mô hình phát triển mới; những cải cách về thiết chế chính trị, tư tưởng, luật pháp, hành chính, quân đội…dưới thời Mạc; công cuộc canh tân đất nước thời Mạc và những di sản, kinh nghiệm cho ngày nay.
Có nhiều báo cáo tham luận đi sâu nghiên cứu, làm sáng tỏ những thành tựu phát triển toàn diện của quốc gia Đại Việt dưới thời đại Nhà Mạc, đặc biệt nhấn mạnh đánh giá cao tư duy kinh tế và tầm nhìn hướng biển của Nhà Mạc; đóng góp của triều Mạc trong phát triển thương mại và sự hưng khởi của các đô thị, cảng thị. Tư tưởng thoáng đạt và chính sách cởi mở của triều Mạc khởi đầu cho thời kỳ chấn hưng, phát triển mạnh mẽ văn hóa, thể hiện rõ nét trong các dấu ấn vật chật, tôn giáo – tín ngưỡng, giáo dục và khoa cử, nghệ thuật và kiến trúc…
Các đại biểu tham dự Hội thảo
Một số báo cáo tại Hội thảo tập trung làm rõ thân thế, sự nghiệp, vai trò và đóng góp của một số nhân vật lịch sử tiêu biểu thời Mạc đối với vương triều và đất nước như: Vua Mạc Thái Tổ, Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn, Tây Kỳ vương Nguyễn Kính, Đà Quốc công Mạc Ngọc Liễn…Trong số đó, một số nhân vật đã được dân gian phong thánh, phụng thờ ở nhiều địa phương. Nhà Mạc để lại cho hậu thế nhiều di sản lịch sử – văn hóa có giá trị độc đáo, tiêu biểu như ngôi đình làng, kiến trúc chùa tháp, văn bia, các tác phẩm nghệ thuật tạo hình, hát Then…
Một số tham luận đi sâu phân tích hiện trạng, đánh giá giá trị và nêu ra những phương hướng, giải pháp khai thác, phát huy giá trị các di sản văn hóa thời Mạc và gắn với triều Mạc phục vụ phát triển đất nước và các địa phương trong bối cảnh hiện nay.
Nhìn chung, nội dung của các báo cáo tham luận rất đa dạng, đề cập đến nhiều khía cạnh về thời Mạc và Vương triều Mạc trong lịch sử Việt Nam. Qua đây có nhiều phát hiện và kiến giải mới góp phần nâng cao nhận thức khoa học và giải quyết các yêu cầu thực tiễn của địa phương và đất nước.
Các đại biểu dâng hương tại Khu tưởng niệm các Vua Nhà Mạc
Trong khuôn khổ Hội thảo, trước đó chiều 8/12, các đại biểu đã dâng hương, tham quan Khu tưởng niệm các Vua Nhà Mạc, Từ đường họ Mạc Cổ Trai tại xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy – nơi phát tích Vương triều Mạc.
Theo Tạp Chí điện tử