Huyện Kiến Thuỵ thực hiện chuyển đổi số, phát triển xã hội số, xây dựng huyện phát triển nhanh và bền vững.

Với quyết tâm xây dựng thành công chính quyền điện tử, thời gian qua Huyện uỷ- HĐND – UBND huyện Kiến Thuỵ tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện tốt công tác chuyển đổi số, hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp được tiếp cận và sử dụng các ứng dụng dịch vụ công, dịch vụ tiện ích thuận lợi nhất, qua đó góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn.

Hiện nay, chuyển đổi số trên địa bàn được diễn ra toàn diện, đồng bộ trên mọi lĩnh vực từ kinh tế, chính trị, văn hóa – xã hội, y tế, quốc phòng – an ninh; Trong đó, tập trung ưu tiên những ngành, lĩnh vực có khả năng chuyển đổi số nhanh, trọng điểm, mũi nhọn, tạo ra ưu thế, năng suất đem lại hiệu quả cao, như: Giáo dục – đào tạo, y tế, tài chính, ngân hàng, sản xuất công nghiệp. Huyện tăng cường truyền thông về lợi ích của chuyển đổi số để các cơ quan quản lý nhà nước, người dân, doanh nghiệp hiểu rõ về lợi ích, hiệu quả của chuyển đổi số, tích cực tham gia và thụ hưởng các lợi ích mà chuyển đổi số mang lại. Đẩy mạnh hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, các tiện ích, dịch vụ số an toàn, hiệu quả, Ủy ban nhân dân huyện ban hành kế hoạch 29/KH-UBND về Chuyển đổi số huyện Kiến Thụy năm 2023, Kế hoạch số 57/KH-UBND truyền thông về Chuyển đổi số trên địa bàn huyện Kiến Thụy năm 2023 và triển khai các văn bản chỉ đạo thực hiện công tác Chuyển đổi số.

Để đẩy nhanh quá trình phát triển xã hội số, công dân số, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp và việc xây dựng chính quyền số được triển khai đồng bộ, huyện đã dành nhiều nguồn lực để phát triển hạ tầng số. Hạ tầng băng rộng cáp quang, kết nối Internet đã được phủ đến 18/18 xã, thị trấn. Chỉ đạo việc triển khai thực hiện thanh toán điện tử, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp thanh toán không dùng tiền mặt.  Triển khai nâng cấp sửa chữa hệ thống đài truyền thanh ứng dụng viễn thông – CNTT cho 04 xã Đại Đồng, Thụy Hương, Đoàn Xá, Thanh Sơn.

Đến hết năm 2023, tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại đạt trên 85%; Mật độ thuê bao internet băng rộng cố định và băng rộng di động đạt 126/100 dânvới tổng số 180.507 thuê bao internet.

Đối với lĩnh vực y tế, ngành y tế của huyện tổ chức lớp Tập huấn Hướng dẫn kê đơn thuốc điện tử quy định tại Thông tư số 27/2021/TTBYT, ngày 20/12/2021 của Bộ Y tế và tiếp nhận “Giải pháp gửi đơn thuốc điện tử” đến người bệnh, với tổng số 128 cơ sở y dược tư nhân tham gia lớp tập huấn; góp phần thực hiện nhiệm vụ trong kế hoạch chuyển đổi số. Tích cực triển khai thanh toán không dùng tiền mặt tại các cơ sở y, dược ngoài công lập trên địa bàn huyện  theo công văn 750/UBND-YT ngày 24/3/2023 của UBND huyện). Đẩy mạnh việc triển khai mô hình khám chữa bệnh sử dụng thẻ CCCD gắn chíp điện tử và ứng dụng VneID. Tổng số lượt người khám chữa bệnh dùng thẻ CCCD gắn chíp điện tử thực hiện thành công đạt tỷ lệ 42%.

Trên lĩnh vực giáo dục và đào tạo, 100% các cơ sở giáo dục sử dụng cơ sở dữ liệu ngành để quản lý hồ sơ học sinh, giáo viên, triển khai sổ điểm, học bạ điện tử, dùng hòm thư điện tử tên miền riêng đảm bảo an toàn bảo mật. 100% các trường có Cổng thông tin điện tử, sổ liên lạc điện tử thông tin thông suốt, liên tục, kịp thời giữa nhà trường và phụ huynh học sinh và sử dụng phần mềm quản lý thu và chi tài chính; tuyển sinh trực tuyến. 100% cán bộ, giáo viên trong toàn huyện đã triển khai cài đặt và sử dụng chữ ký số để thực hiện ký số sổ điểm điện tử, học bạ điện tử, hồ sơ sổ sách chuyên môn. Đặc biệt, tất cả các trường Tiểu học, TH&THCS, THCS trên địa bàn huyện đều thực hiện ứng dụng quản lý hồ sơ chuyên môn trực tuyến. 100% các cơ sở giáo dục Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức bồi dưỡng cho giáo viên Kỹ năng khai thác các ứng dụng trên nền tảng Google trong việc quản lý và dạy học trực tuyến; tạo bài giảng điện tử e-Learning giúp chuyển đổi các bài trình chiếu powerpoint sang dạng tương tác multimedia, có lời thuyết minh (narration), câu hỏi trắc nghiệm, tạo hoạt động điều khiển dẫn dắt chương trình (animation) và tạo mô phỏng một cách chuyên nghiệp.

Cùng với đó, huyện triển khai 04 mô hình điểm triển khai thực hiện nhiệm vụ Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia năm 2023 trên địa bàn huyện Kiến Thụy gồm: Mô hình công dân số, mô hình an sinh xã hội, mô hình khám chữa bệnh sử dụng thẻ CCCD gắn chip điện tử và ứng dụng VneID, mô hình tại bộ phận ‘‘Một cửa’’ của huyện.

Mục tiêu năm 2024 chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, Huyện Kiến Thuỵ tập trung chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực để đạt được các chỉ tiêu quan trọng thuộc Chương trình hành động số 30-CTr/HU ngày 23/3/2022 của Ban Thường vụ Huyện ủy về việc thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 26 tháng 10 năm 2021 của Ban Thường vụ Thành ủy về Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 62/KH-UBND ngày 29/3/2022 của Ủy ban nhân dân huyện về Triển khai công tác Chuyển đổi số trên địa bàn huyện Kiến Thụy đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 tạo điều kiện, nền tảng tăng tốc chuyển đổi số của huyện trong giai đoạn mới. Trong đó, mục tiểu phát triển Chính quyền số: 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến toàn trình. 100% người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được định danh và xác thực thông suốt, hợp nhất trên tất cả các hệ thống của các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương. 70% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 50% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước). 90% công tác báo cáo được thực hiện trên hệ thống thông tin báo cáo quốc gia; hồ sơ được tạo, lưu giữ, chia sẻ dữ liệu điện tử theo quy định.

Mục tiêu phát triển Kinh tế số, phấn đấu các sản phẩm OCOP của huyện được đưa lên sàn thương mại điện tử.

Với mục tiêu phát triển Xã hội số, năm 2024 huyện quan tâm về hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ 90% hộ gia đình, 100% xã, thị trấn. Phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G. Phấn đấu phổ cập điện thoại di động thông minh, tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 50%, cung cấp danh tính số trên nền tảng di động cho tối thiểu 35% người dân sống và làm việc trên trên địa bàn huyện Kiến Thụy.

Để hoàn thành các mục tiêu năm 2024 đã đề ra, thời gian này huyện Kiến Thuỵ cụ thể hóa kế hoạch chuyển đổi số, phát triển kinh tế số của các phòng, ban, cơ quan, đơn vị và các xã, thị trấn xây dựng một nền hành chính công vụ thông minh, gọn nhẹ, kỷ cương, liêm chính và kiến tạo, đột phá trong tinh giản hóa và nâng cao hiệu quả quản trị của bộ máy nhà nước từ cấp huyện tới các xã, thị trấn. Chuyển từ tư duy quản lý sang tư duy quản trị điều hành, mạnh mẽ xóa bỏ các tổ chức quản lý trung gian, nhanh chóng và đồng bộ số hóa bộ máy quản lý nhà nước các cấp cũng như xây dựng và triển khai chiến lược, các chính sách thúc đẩy chuyển đổi số của thuyện và doanh nghiệp. Cùng với đó, huyện tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng cứng và mềm cho chuyển đổi số và phát triển nền kinh tế số. Đầu tư phát triển và phổ cập hóa kết cấu hạ tầng Internet, bảo đảm việc tiếp cận hệ thống thanh toán điện tử, hạ tầng chứng thực chứng từ điện tử và hỗ trợ xác thực thông tin giao dịch, các hệ thống quản lý, giám sát giao dịch điện tử; tăng cường tuyên truyền, phổ biến và tăng cường giám sát các hoạt động của mọi tổ chức và cá nhân, bảo đảm mọi hoạt động phải tuân thủ Luật An ninh mạng.

Hy vọng, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Huyện uỷ- HĐND- UBND, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc tích cực của người dân, doanh nghiệp sẽ là điều kiện thuận lợi để huyện Kiến Thuỵ hoàn thành chương trình CCHC, chuyển đổi số theo đúng lộ trình, đưa huyện phát triển nhanh và bền vững./.