Tự hào quê hương Kiến Thụy anh hùng

Chào mừng kỷ niệm 79 năm Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh 02/9 là dịp để Nhân dân cả nước nói chung, Nhân dân huyện Kiến Thụy nói riêng ôn lại những trang sử hào hùng của đất nước và quê cách mạng gắn liền với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc

Theo Lịch sử Đảng bộ huyện Kiến Thụy ghi lại: Ngày 22/9/1944, Chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương đầu tiên của huyện được thành lập, tại làng Kính Trực (tổng Lão Phong). Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của huyện ra đời có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đánh dấu sự trưởng thành của phong trào cách mạng trong vùng và tình thế mới xuất hiện – thời kì trực tiếp chuẩn bị lực lượng cho khởi nghĩa giành chính quyền ở địa phương.

Ngay sau khi được thành lập (ngày 22/9/1944), đứng trước thời cơ “khởi nghĩa từng phần đã xuất hiện ở Kiến Thụy”, Chi bộ Đảng đã lựa chọn và trực tiếp lãnh đạo làng Kim Sơn, xã Tân Trào làm “điểm khởi nghĩa mở đầu” giành thắng lợi vào ngày 12 tháng 7 năm 1945, thành lập chính quyền cách mạng đầu tiên ở tỉnh Kiến An – Hải Phòng và vùng duyên hải Bắc Bộ. Tinh thần cách mạng như đốm lửa nhỏ ban đầu đã trở thành ngọn lửa lớn, kết thành “tiếng trống Kim Sơn” vang động, trở thành sức mạnh đoàn kết toàn dân làm nên cuộc nổi dậy kháng Nhật vào ngày 04/8/1945, bảo vệ vững chắc chính quyền cách mạng, gây tiếng vang lớn; góp phần cổ vũ mạnh mẽ phong trào cách mạng trong các tầng lớp nhân dân đứng lên làm cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 thành công, lập nên nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa – Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam châu Á.

Những năm kháng chiến, bị kẻ thù càn quét, khủng bố ác liệt, cán bộ, đảng viên Kiến Thụy đã “sống, chết với dân”, bám sát địa bàn để xây dựng cơ sở, chỉ đạo phong trào. Kẻ thù chiếm được đất đai nhưng không chiếm được lòng dân. Nhân dân Kiến Thụy tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và quyết tâm tiến hành cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi.

Khi thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta lần thứ hai, hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch “…Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”; dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân dân Kiến Thụy đã nhất tề cùng với cả nước đứng lên “trường kỳ kháng chiến”, lập nhiều chiến công oanh liệt. Đó là chiến công của mặt trận B Cầu Rào, của trận tập kích đánh chiếm đảo Hòn Dáu, đánh chiếm sân bay Đồ Sơn, phục kích tiêu diệt địch ở núi Trà Phương…Đặc biệt, Đảng bộ và nhân dân Kiến Thụy đã có đóng góp quan trọng trong trận đánh thiêu huỷ hoàn toàn sân bay Cát Bi – một cơ sở hậu cần lớn của địch, góp phần vào chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy 5 châu, chấn động địa cầu”.

Sau ngày miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, Đảng bộ Kiến Thụy lãnh đạo Nhân dân bắt tay ngay vào việc khắc phục hậu quả chiến tranh, tháo gỡ hàng nghìn quả bom mìn và nhiều đồn bốt của địch; khai hoang, phục hoá đất đai, để phát triển sản xuất, ổn định đời sống nhân dân. Đồng thời tích cực chuẩn bị cho một cuộc chiến đấu mới, chống lại dã tâm của đế quốc Mỹ xâm lược miền Nam.

Bước vào cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, cùng với miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội và là hậu phương lớn chiến trường miền Nam, Đảng bộ, quân và dân Kiến Thụy vừa tập trung chỉ đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội, vừa xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng. Đã có hàng nghìn thanh niên của huyện lên đường ra nhập lực lượng vũ trang, thanh niên xung phong “xẻ dọc Trường Sơn đi đánh Mỹ”; những người ở lại, bám trụ kiên cường thực hiện tốt nghĩa vụ với tiền tuyến, vừa chiến đấu chống trả quyết liệt, bắn rơi máy bay, bắn cháy tàu chiến, bắt sống nhiều giặc lái Mỹ khi chúng xâm phạm vùng trời, vùng biển quê hương, góp phần đập tan cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ ra miền Bắc, cổ vũ mạnh mẽ phong trào cách mạng của đồng bào, chiến sỹ miền Nam, tiến lên giành thắng lợi.

Trong những năm 1955 – 1975, đất nước tạm chia làm hai miền, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước kéo dài suốt hai thập kỉ đầy ác liệt, hi sinh. Đảng bộ và Nhân dân Kiến Thụy lần nữa vượt lên khó khăn, vừa sản xuất vừa chiến đấu, “thắt lưng buộc bụng” chi viện từng hạt lúa, củ khoai, gửi những người con ưu tú nhất cho tiền tuyến. Với những thành tích xuất sắc qua hai cuộc kháng chiến, huyện Kiến Thụy và 7 xã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Đất nước thống nhất cùng đi lên chủ nghĩa xã hội, Nhân dân Kiến Thụy cũng như thành phố và cả nước đứng trước những thách thức sống còn: các thế lực thù địch tiến hành bao vây, cấm vận, gây bạo loạn; phát động chiến tranh ở biên giới; sự giáo điều, duy ý chí và cơ chế quản lí tập trung quan liêu bao cấp trở thành lực cản lớn. Tinh thần yêu nước, truyền thống cách mạng và lao động sáng tạo đã giúp cho Đảng bộ và Nhân dân Kiến Thụy khởi xướng cách làm ăn mới, góp phần rất quan trọng cho việc tạo ra sự đột phá trong nền nông nghiệp của cả nước.

Huyện Kiến Thụy được tái lập vào những năm đầu thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, cũng là thời kì đất nước ta gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Tình trạng khủng hoảng kinh tế – xã hội nghiêm trọng; Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu tan rã, các thế lực đẩy mạnh bao vây cấm vận, thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” nhằm xóa bỏ Đảng Cộng sản và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Một bộ phận cán bộ, đảng viên, Nhân dân dao động, giảm lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng, vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Hàng nghìn đảng viên bỏ sinh hoạt Đảng, tình thế hết sức phức tạp. Trong bối cảnh đó, Đảng bộ và Nhân dân Kiến Thụy, vốn có truyền thống cách mạng kiên cường, vẫn giữ vững niềm tin vào Đảng, kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Quyết tâm đó, ý chí đó là động lực to lớn giúp cho Kiến Thụy đạt được những thành tựu quan trọng trong những năm cuối của thế kỷ XX. Thực hiện Nghị quyết các kì đại hội Đảng bộ huyện, trong hai thập niên đầu của thiên niên kỷ mới, Đảng bộ đã vận dụng sáng tạo đường lối của Đảng, đề ra những chủ trương, giải pháp phù hợp, đang tạo nên những bước chuyển mới, phát triển toàn diện, bền vững.

Quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng bộ huyện luôn tập trung dồn sức cho công tác xây dựng Đảng TSVM toàn diện, ngang tầm với yêu cầu và nhiệm vụ cách mạng trong mỗi thời kỳ. Thực hiện nghiêm Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII, XIII) về xây dựng Đảng, Chỉ thị số 10-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương (khoá X) “về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ”, các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, Thành uỷ và Huyện uỷ gắn với thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị (khóa XII) “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Đẩy mạnh thực hiện Quy chế dân chủ trong Đảng đồng thời với tăng cường cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở theo hướng “sâu sát cở sở, gần dân, hiểu dân và có trách nhiệm với nhân dân”. Mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với dân và niềm tin của nhân dân đối với Đảng ngày càng được củng cố, tăng cường. Qua phân loại TCCS Đảng hàng năm, hầu hết các chi, đảng bộ đều hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, Đảng bộ huyện liên tục nhiều năm được Thành uỷ công nhận đạt TSVM.

Hướng tới Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên của huyện (22/9/1944 – 22/9/2024), những ngày này huyện Kiến Thụy đang tích cực tuyên truyền, giáo dục cho các thế hệ cán bộ, đảng viên và Nhân dân các dân tộc về sự kiện lịch sử thành lập Chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên – chi bộ tiền thân của Đảng bộ Kiến Thụy và truyền thống vẻ vang của Đảng bộ huyện qua 80 năm xây dựng, trưởng thành.

Tự hào là quê hương cách mạng, trong những năm qua Kiến Thụy đã có nhiều nỗ lực khắc phục khó khăn, đoàn kết và thực hiện thắng lợi toàn diện trên các mặt công tác. Hiện, Đảng bộ huyện có hơn 6.300 đảng viên, sinh hoạt tại 38 tổ chức cơ sở đảng. Đối với phát triển kinh tế, Đảng bộ huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp; phát triển nông nghiệp, theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh của địa phương.

Đến tháng 6/2020, 17/17 xã trong toàn huyện đạt chuẩn nông thôn mới; năm 2020 huyện được công nhận huyện NTM. Kiến Thụy lại tiếp tục bắt tay ngay vào công việc xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu và nông thôn mới nâng cao. Năm 2023, huyện có 5 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 4 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; phấn đấu hết năm 2024, huyện có 10 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 7 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Đặc biệt là cơ sở hạ tầng về giao thông, văn hóa, giáo dục được cải thiện rõ nét. 100% đường trục xã, trục thôn, liên thôn, ngõ xóm được cứng hoá và đang tiếp tục được nâng cấp cải tạo đạt chuẩn tiêu chí giao thông trong xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu; giao thông nội đồng đảm bảo phục vụ phát triển sản xuất theo hướng hàng hoá tập trung 100% số xã, thị trấn có hệ thống điện đạt chuẩn, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật của ngành điện; 100% số hộ được sử dụng điện thường xuyên, an toàn.

Tiếp tục phat huy những kết quả đạt được trong những năm qua, thời gian tới, Đảng bộ huyện Kiến Thụy tập trung nâng cao hơn nữa năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của toàn Đảng bộ; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; khai thác tiềm năng, thế mạnh về của địa phương; sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư của Nhà nước thông qua các chương trìnhmục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, bảo đảm an ninh – trật tự… từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân, xứng danh với truyền thống cách mạng của quê hương Kiến Thụy anh hùng./.