Bác Hồ và đồng chí Vũ Kỳ
Mẩu chuyện dưới đây được đồng chí Vũ Kỳ, người thư ký lâu năm của Chủ tịch Hồ Chí Minh kể lại, chuyện xảy ra vào ngày 19/5/1948, ở giữa núi rừng Việt Bắc: “Trong bữa ăn dịp sinh nhật của Bác, tôi có tâm sự một câu chuyện của riêng tôi là, trong sinh hoạt với anh em, nhiều lúc tôi thường cáu gắt, mà tự phê bình mãi vẫn khó sửa. Còn từ ngày làm việc với Bác đến nay chưa một lần nào Bác nặng lời với tôi. Nghe tôi nói, Bác ôn tồn bảo: “Chú làm việc với Bác lâu, thì Bác làm việc với chú cũng lâu chứ. Thế nhưng Bác có thấy bao giờ chú cáu gắt với Bác đâu”. Tôi còn ngỡ ngàng chưa rõ ý Bác thì Bác đã nói tiếp: “Hai Bác cháu ta có gì khó khăn thì bàn bạc, cùng giải quyết, việc gì mà phải nặng lời, việc gì mà phải cáu gắt. Đó chính là do Bác tôn trọng chú, chú tôn trọng Bác. Vì vậy, chú cứ tự nghĩ xem trong quan hệ công tác với anh em chú đã thật sự tôn trọng anh em chưa?”. Tôi ngẫm nghĩ, càng nghĩ càng thấm thía. Nóng nảy cáu gắt đâu phải là cá tính? Nếu là cá tính thì tại sao thường chỉ nóng tính với cấp dưới chứ không bao giờ dám nóng với cấp trên?”…
Câu chuyện trên có lẽ là bài học chung cho tất cả chúng ta, nhất là gắn với việc kiểm điểm công tác trong dịp cuối năm. Bởi đôi khi, có đồng chí hay tự nhận xét là mình “nóng tính”, hay lớn tiếng với đồng chí, đồng nghiệp; hoặc có đồng chí được phê bình là còn nóng nảy, hay cáu gắt với cấp dưới, với người khác. Từ đó, nhiều người mặc định rằng nóng tính là một thói quen, một tính cách có tính chất riêng có của một người (cá tính), chứ không cho đó là một thái độ, một cách ứng xử.
Tuy nhiên, trên thực tế, hầu như biểu hiện nóng tính đó chỉ thể hiện với người thấp hơn (về vị trí, về tuổi tác…) hoặc người ngang hàng chứ hiếm khi xảy ra với người cao hơn, nhất là về chức vụ. Điều đó cho thấy, cái mà chúng ta hay gọi là “nóng tính” thực ra không phải hoàn toàn là sự bột phát không thể kiểm soát được, bởi trong nhiều trường hợp chúng ta có thể “lựa chọn” đối tượng để thể hiện sự nóng nảy, tức giận và chọn đối tượng khác để nín nhịn, lắng nghe. Điều này thường có hai lý do: thứ nhất là tôn trọng, tức là dù đối tượng đó là ai cũng thể hiện sự lắng nghe, sự khiêm nhường và không muốn (hoặc lo ngại) là tổn thương người đó. Thứ hai là nhẫn nhịn, chấp hành, thậm chí là sợ hãi với người đó, vì biết chắc rằng nếu không kiềm chế thì có thể làm người đó phật ý hoặc có thể phải đối mặt với phản ứng, hậu quả bất lợi cho bản thân. Rõ ràng là lý do thứ nhất chủ động hơn, tích cực hơn và cũng là điều mà mỗi cán bộ, đảng viên phải học tập và thực hành trong sinh hoạt, trong công tác, trong ứng xử.
Câu hỏi của Bác Hồ dành cho đồng chí Vũ Kỳ “chú cứ tự nghĩ xem trong quan hệ công tác với anh em chú đã thật sự tôn trọng anh em chưa?” thực sự nên là một lời tự vấn của mỗi cán bộ, đảng viên. Chúng ta có thể tự rà soát trong các quan hệ của mình, khi ứng xử, bản thân có biểu hiện nóng tính với ai chưa, có từng to tiếng hay cáu gắt với ai chưa, có từng làm điều gì đó tỏ ra chưa tôn trọng ai chưa… Sự rà soát này nên cầu thị, thẳng thắn, mạnh dạn, không nên tự che đậy, tự bào chữa hoặc tự “nói giảm, nói tránh”.
Chẳng hạn, có khi nào ta cắt ngang lời của người nào đó đang nói, đang phát biểu? Có khi nào ta không trả lời điện thoại, tin nhắn hoặc câu hỏi trực tiếp bởi trong lòng nghĩ “mình không cần thiết/nhất thiết trả lời người đó”? Có khi nào ta buột miệng gọi ai đó bằng các đại từ thiếu tôn trọng hoặc dùng những lời lẽ mà bản thân sẽ thấy không hài lòng nếu ai đó dành cho mình? Có khi nào mình quát nạt, lớn tiếng với người khác mà lẽ ra mình có thể kiềm chế hoặc có cách ứng xử khác? Có khi nào mình viện lý do để không nghe ai đó trình bày đầy đủ một vấn đề, một câu chuyện hoặc tỏ ra lắng nghe nhưng kỳ thực không chú tâm đến lời người đó đang nói? Và liệu chúng ta có nhận thấy những trường hợp mà mình ứng xử như vậy đều là với người ngang hàng hoặc cấp dưới, người có vị trí thấp hơn mình?
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với các giáo sư, cán bộ giảng dạy các trường đại học và trung học chuyên nghiệp (tháng 12/1958). (Ảnh tư liệu)
Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn cán bộ, đảng viên “phải có tình đồng chí yêu thương lẫn nhau”. Hay khi làm việc với cán bộ Ban Tuyên huấn Trung ương về việc xuất bản cuốn sách “Người tốt, việc tốt”, ngày 17/6/1968, Người đã dặn, hiểu chủ nghĩa Mác – Lênin là phải sống với nhau có tình, có nghĩa; nếu thuộc bao nhiêu sách mà sống không có tình, có nghĩa thì sao gọi là hiểu chủ nghĩa Mác – Lênin được… Như vậy, không thể có nghĩa có tình, có yêu thương nếu chúng ta không tôn trọng nhau. Mà đã tôn trọng nhau thì phải đối với tất cả các chủ thể, chứ không thể chỉ tôn trọng người trên, người có địa vị cao hơn.
Nếu cán bộ, đảng viên không thể hiện sự tôn trọng đối với đồng chí, đồng nghiệp của mình thì liệu có thể tôn trọng nhân dân được không? Đây là câu hỏi mà mỗi người cần tự trả lời một cách thực lòng bằng thái độ dũng cảm và cầu thị.
Đương nhiên, tôn trọng thì không có nghĩa là không thẳng thắn nhìn nhận, phê bình các khuyết điểm, sai lầm của đồng chí, đồng nghiệp mình. Bởi sự phê bình đó chính là giải pháp tốt nhất để giúp đỡ đồng chí, đồng nghiệp mình tránh tiếp tục sai lầm và từ đó khắc phục các hạn chế để có thể tiến bộ hơn. Chính sự xuê xoa, bao che của chúng ta đối với đồng chí, đồng nghiệp có thể khiến khuyết điểm, sai lầm của đồng chí đó ngày càng trầm trọng hơn, khả năng sửa chữa sẽ khó khăn hơn, thậm chí nhiều trường hợp sẽ không thể cứu vãn.
Bởi vậy, hoạt động kiểm điểm cuối năm là dịp thể hiện rõ nét sự tôn trọng đồng chí, đồng nghiệp của mình trong việc lắng nghe các góp ý, phê bình cũng như trong việc góp ý, phê bình người khác. Và khi đã tôn trọng thì phải thực lòng, không phải là biểu hiện bề ngoài thì “xơn xớt nói cười” nhưng bên trong thì “ghét sâu thù nặng” khi bị phê bình, bị yêu cầu sửa chữa. Suy cho cùng, chính điều đó đã biểu thị sự không tôn trọng chính bản thân mình, và vì vậy thì làm sao có thể tôn trọng người khác!
Trang Thông tin điện tử Quốc gia