Chiều 28-10, tại Trường THPT Kiến Thụy (huyện Kiến thụy), Chi cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình thành phố (Sở Y tế) phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Kiến Thụy tổ chức Chương trình giao lưu “Tìm hiểu kiến thức về dân số, sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên” cho hơn 1.600 em học sinh Trường THPT Kiến Thụy.
Phát biểu khai mạc chương trình, đồng chí Trần Thị Thu Hằng, Chi cục trưởng Chi cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình thành phố nhấn mạnh, tuổi vị thành niên là giai đoạn giữa tuổi thiếu nhi và tuổi trưởng thành, lứa tuổi vị thành niên là thời kỳ phát triển với những biến đổi nhanh chóng cả về thể chất, tâm lý và các mối quan hệ xã hội, cũng là thời điểm quan trọng khởi đầu để các em hình thành kỹ năng sống.
Những năm qua, việc tuyên truyền, trang bị kiến thức về dân số, sức khỏe sinh sản (SKSS) vị thành niên, thanh niên cho học sinh trong các nhà trường luôn được Chi cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ, Sở Y tế TP. Hải Phòng) và các ngành, chức năng quan tâm. Chính điều đó, đã giúp cho những học sinh trong độ tuổi này có những những kiến thức, kỹ năng cơ quản trong việc nhận thức về giới tính, sinh sản cũng như quan hệ tình cảm nam-nữ.
Có mặt tại Chương trình giao lưu “Tìm hiểu kiến thức về dân số, sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên” tại trường THPT huyện Kiến Thụy, chúng tôi cảm nhận được không khi sôi nổi, hào hứng của hơn 1.600 học sinh nơi đây cùng các thầy, cô giáo và phụ huynh. Chương trình giao lưu này do Chi cục DS-KHHGĐ TP. Hải Phòng phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Kiến Thụy tổ chức .
Bà Trần Thị Thu Hằng-Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ TP. Hải Phòng cho biết, tuổi vị thành niên là thời kỳ phát triển với những biến đổi nhanh chóng cả về thể chất, tâm lý và các mối quan hệ xã hội. Đây cũng là thời điểm quan trọng khởi đầu để các em hình thành kỹ năng sống. Trên thực tế, ở độ tuổi này nếu thiếu các kiến thức về bảo vệ và chăm sóc SKSS, sức khỏe tình dục thì các em dễ trở thành đối tượng bị lạm dụng, xâm hại tình dục, nguy cơ mang thai ngoài ý muốn…
“Việc tuyên truyền giáo dục về dân số, SKSS, sức khỏe tình dục cho các em ở độ tuổi vị thành niên trong giai đoạn này rất quan trọng; đòi hỏi cần có sự vào cuộc của các cấp, các ngành, đặc biệt là sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường để giúp các em chuẩn bị tâm thế tốt về vấn đề SKSS khi còn ngồi trên ghế nhà trường, cũng như đảm bảo cuộc sống gia đình trong tương lai và sự nghiệp của các em sau này”, Bà Hằng nhấn mạnh.
Chương trình giao lưu tại trường THPT Kiến Thụy được tổ chức theo hình thức sân khấu hóa, với 4 đội thi gồm: Lửa thanh xuân (Tổ Toán-Tin), Thanh xuân rực rỡ (Tổ khoa học xã hội), Dân số vàng (Tổ khoa học tự nhiên), Tri kỷ (Tổ giáo dục thể chất).
Các đội sẽ tham gia phần thi như: Chào hỏi; giao lưu kiến thức về dân số, sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên; giao lưu tài năng. Bên cạnh đó, các em học sinh còn được giao lưu, tìm hiểu những kiến thức xung quanh nội dung về dân số, SKSS vị thành niên, thanh niên.
Chia sẻ với PV Gia đình & Xã hội, nam sinh Phạm Văn Vũ- Lớp trưởng 12A12 thông tin, do trong lớp đa phần là các bạn nữ, cho nên khi được thầy giáo chủ nhiệm thông báo về chương trình giao lưu này, các bạn trong trong lớp ai cũng hào hứng, quan tâm và mong muốn được tham gia.
Trước đây, bàn thân em đã được thầy cô tuyên truyền về vấn đề giới tính trong học đường. Tuy nhiên, chương trình lần này được tổ chức theo hình thức sân khấu hóa, dễ hiểu, dễ gần gũi, dễ tiếp cận và chúng em được cung cấp nhiều thông tin ở các góc độ.
Chương trình giao lưu hôm nay, bản thân em thấy rất bổ ích, là sự trải nghiệm thú vị, học được nhiều kiển thức như: Biết cách phòng ngừa khi quan hệ ngoài ý muốn, kiến thức về sinh sản trước độ tuổi thành niên và biết cách giữ gìn giữ gìn bản thân. Ngoài ra, kiến thức ở chương trình này góp phần bổ trợ cho em ở những môn Sinh học, Giáo dục công dân…”, em Vũ chia sẻ.
Vừa hoàn thành vai diễn trong phần thi Tài năng của đội mình, em Nguyễn Thị Vân Nhi –Lớp 10C2 bày tỏ: “Vai hóa thân của em là một cô bé nữ sinh mất mẹ từ nhỏ, ở với bố, ít được quan tâm chia sẻ những chuyện tâm sinh lý của tuổi mới lớn khiến cô bé này làm điều dại dội. Sau khi quan hệ với bạn trai mang thai ngoài ý muốn, cô bé không nói cho bố và tự đi phá thai dẫn đến viêm nhiễm.
Đây là vai diễn giúp cho em được trải nghiệm, vì cô bé kia có độ tuổi như chúng em. Qua câu chuyện này, em mong các bạn sẽ rút ra bài học, nên tìm hiểu những kiến thức liên quan đến sinh sản, hay quan hệ trước tuổi vị thành niên và trước khi làm việc việc gì cần tìm hiểu kỹ, suy nghĩ kỹ để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra”.
Nói về việc tuyên tuyền kiến thức SKSS cho học sinh trong trường, cô giáo Trương Thị Thu Huệ-Giáo viên bộ môn Sinh học trường THPT Kiến Thụy nói: “Trong quá trình giảng dạy, chúng tôi đã đổi mới phương pháp và lồng ghép các chương trình giáo dục giới tính, tư vấn cho các em trong các tiết học. Cùng với đó, tổ chức các buổi giao lưu để các em có thể nói lên những suy nghĩ của mình, vấn đề thay đổi tâm sinh lý để cùng nhau tìm hướng giải quyết. Giáo viên có vai trò hướng dẫn, còn các em là người chủ động đưa ra các câu hỏi…”.
Cũng theo nữ giáo viên, hiện nay việc học sinh tiếp cận với thông tin trên mạng xã hội đều có 2 mặt. Các em có thể tìm hiểu thông tin liên quan đến môn học của mình, nhưng cũng có thể các em không làm chủ được mình, vì trên mạng xã hội có nhiều thông tin không phù hợp với lứa tuổi, hành vi bạo lực.
Đối với vấn đề này, rất cần sự phối hợp giáo dục giữa gia đình và nhà trường để hướng dẫn các em khai thác hiệu quả thông tin phục vụ cho học tập cũng như hoàn thiện các kỹ năng. Ngoài việc phối hợp thì việc định hướng từ gia đình, các thầy cô giáo trên lớp chia sẻ về những thông tin trên mạng nào có lợi, thông tin nào có hại giúp các em chủ động bảo vệ bản thân, tránh xâm hại tình dục, cũng như bảo vệ sức khoẻ sinh sản cho mình”, cô Huệ cho biết thêm.
Báo GD&XH