Chủ tịch Hồ Chí Minh – là người khai sáng, người thầy vĩ đại của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Sinh thời, Bác Hồ rất quan tâm đến công việc viết báo và hoạt động báo chí. Người là một nhà báo lỗi lạc – Nhà báo Hồ Chí Minh với phong cách bình dị của một tầm vóc vĩ đại…
Trong cuộc hành trình lịch sử vĩ đại tìm đường cứu nước, cứu dân, qua nhiều châu lục và quốc gia khác nhau, Bác đã sớm nhận thấy “tờ báo là công cụ tuyên truyền, cổ động, tổ chức và lãnh đạo”, nên Người rất quan tâm báo chí và hoạt động báo chí. Thời gian ở Pháp, Bác Hồ tham gia sáng lập Hội Liên hiệp thuộc địa và tờ báo Người cùng khổ (Le Paria), với vai trò vừa là biên tập viên chính, vừa là phóng viên viết bài, chụp ảnh, kiêm luôn việc tổ chức quản lý, phát hành, nhằm tố cáo bản chất tàn bạo của chế độ thực dân Pháp; làm cho Quốc tế Cộng sản và các dân tộc trên thế giới biết đến Việt Nam, ủng hộ nhân dân Việt Nam đấu tranh tự giải phóng.
Tại Trung Quốc, tháng 6 năm 1925, Bác Hồ đã tổ chức ra Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội) – Tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam và sáng lập ra Báo Thanh Niên, cơ quan ngôn luận của Hội. Báo Thanh Niên xuất bản số đầu tiên vào ngày 21-6-1925. Và Nhà báo Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh là người trực tiếp chỉ đạo, biên tập, viết các bài chính luận… Sự kiện lịch sử này đánh dấu bước khởi nguồn của báo chí cách mạng Việt Nam.
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Bác Hồ đã viết hơn 2.000 bài báo, bằng nhiều thứ tiếng, nhiều thể loại; gần 300 bài thơ, hơn 500 trang truyện và ký, với hàng trăm bút danh khác nhau. Người đã từng làm mọi việc của nghề báo, từ viết bài, sửa bài, biên tập, tổ chức in ấn, phát hành, đến tổ chức, lãnh đạo và chỉ đạo việc làm báo. Bác quan niệm, công việc viết báo và làm báo là “công tác cách mạng” để “phụng sự Tổ quốc”, “phục vụ nhân dân”, “phụng sự giai cấp và nhân loại”. Vì vậy, những bài báo của Nhà báo Hồ Chí Minh dù ở thể loại nào, viết về vấn đề gì đếu có một sắc thái rất riêng, rất độc đáo, sáng tạo. Các bài báo của Người luôn có giá trị lý luận và thực tiễn cao; vừa đậm đà tính dân tộc, vừa giàu tính hiện đại; vừa mang tính chiến đấu, vừa có sức cảm hóa, thuyết phục mạnh mẽ đối với người đọc. Đó là phong cách Hồ Chí Minh, bình dị của một tầm vóc vĩ đại. Cùng với các tác phẩm báo chí xuất sắc, Bác Hồ còn để lại cho những người làm báo một di sản tư tưởng đặc biệt có giá trị – Tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng, gồm các quan điểm về vai trò, chức năng, nhiệm vụ và tính chất của báo chí cách mạng; về vai trò, trách nhiêm, nghĩa vụ, đạo đức, phong cách của người làm báo; về nghệ thuật trong “cách viết” để có một tác phẩm báo chí và tờ báo có giá trị.
Trong Thư gửi lớp học viết báo Huỳnh Thúc Kháng, năm 1949, Người nêu rõ: “Tờ báo của chúng ta có mấy điểm chính: 1. Nhiệm vụ của tờ báo là tuyên truyền, cổ động, huấn luyện, giáo dục và tổ chức dân chúng, để đưa dân chúng đến mục đích chung. 2. Mục đích là kháng chiến và kiến quốc. Để đi đến kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công, thì: 3. Tôn chỉ của tờ báo là đoàn kết toàn dân, thi đua ái quốc. Vì vậy: 4. Đối tượng của tờ báo là đại đa số dân chúng. Một tờ báo không được đại đa số dân chúng ham chuộng, coi tờ báo ấy là tờ báo của mình, thì: 5. Nội dung các bài báo phải giản đơn, dễ hiểu, phổ thông, thiết thực, hoạt bát. Và: 6. Hình thức tức là cách sắp đặt các bài, cách in phải sạch sẽ, sáng sủa…”.
Nhận thức sâu sắc về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của báo chí cách mạng đối với đời sống xã hội, trong một số bài nói, bài viết, Bác Hồ đã khẳng định, báo chí cách mạng không có lợi ích gì khác, không có mục đích gì khác là phụng sự lợi ích của Đảng, của Tổ quốc, của nhân dân. Báo chí cách mạng của chúng ta là báo chí của giai cấp công nhân và đông đảo quần chúng nhân dân lao động. Do đó: “Báo chí của ta thì cần phải phục vụ cho nhân dân lao động, phục vụ chủ nghĩa xã hội, phục vụ cho đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, cho hòa bình thế giới”.
Đối với những người làm báo, Bác Hồ cho rằng: Nhà báo trước hết là người cán bộ cách mạng, gắn cuộc đời mình với Tổ quốc, với dân tộc, trung thành với Đảng, với nhân dân. Nhiều lần Người nhấn mạnh “tư cách chiến sĩ” của nhà báo: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”; “Đối với những người viết báo chúng ta cái bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng để động viên quần chúng đoàn kết đấu tranh, chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới, chống chủ nghĩa đế quốc…, vì độc lập dân tộc, tiến bộ xã hội và hòa bình thế giới”. Để hoàn thành nhiệm vụ là người chiến sĩ cách mạng vẻ vang ấy, Bác Hồ yêu cầu các nhà báo phải không ngừng học tập, nâng cao trình độ mọi mặt, đặc biệt là trình độ chính trị; đồng thời phải hòa mình vào đời sống của quần chúng nhân dân để viết cho đúng với tâm trạng, nhu cầu và nguyện vọng của họ. Người khuyên các nhà báo: “Nếu các bạn viết báo mà quần chúng hiểu, quần chúng ham đọc, quần chúng khen hay, thế là các bạn tiến bộ. Trái lại, là các bạn chưa thành công”. Theo Bác, quần chúng nhân dân với tư cách là đối tượng phục vụ của báo chí phải có mặt ở hầu hết các khâu của quy trình hoạt động báo chí: là đối tượng cung cấp thông tin cho báo chí, đối tượng tiếp nhận thông tin báo chí, đồng thời cũng là đối tượng thẩm định chất lượng tác phẩm báo chí. Về nội dung phản ánh của báo chí cách mạng, Người nhấn mạnh:“Viết để nêu những cái hay, cái tốt của dân ta, của bộ đội ta, của cán bộ ta, của bạn ta. Đồng thời để phê bình những khuyết điểm của chúng ta, của cán bộ, của nhân dân, của bộ đội”. Hình thức diễn đạt, phương pháp thể hiện, cách trình bày, kết cấu tác phẩm báo chí phải trong sáng, dễ hiểu, tránh cầu kỳ. Bác căn dặn: “Viết sao cho giản đơn, dễ hiểu, thiết thực. Sao cho mỗi đồng bào, mỗi chiến sĩ đều đọc được, hiểu được, nhớ được, làm được”.
Trải qua thực tiễn hoạt động cách mạng, với hơn nửa thế kỷ hoạt động sáng tạo báo chí, Bác Hồ – người thầy vĩ đại của nền báo chí cách mạng Việt Nam đã để lại di sản báo chí vô cùng quý giá, thể hiện sinh động những quan điểm tư tưởng của Người về tôn chỉ, mục đích, về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, đối tượng của báo chí cách mạng và nhiệm vụ, trách nhiệm, đạo đức của những người làm báo. Tấm gương sáng của Nhà báo Hồ Chí Minh trong thực hành nghề báo, với phong cách bình dị của một tầm vóc vĩ đại, cùng những lời dạy của Người về báo chí vẫn nguyên giá trị, chỉ đạo xuyên suốt quá trình phát triển vững mạnh của báo chí cách mạng Việt Nam và đội ngũ những người làm báo hiện nay./.