Chủ tịch Hồ Chí Minh với truyền thống uống nước nhớ nguồn

Dân tộc ta có truyền thống yêu nước, bất khuất, tự lực tự cường, tạo dựng sức mạnh trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Truyền thống quý báu đó đã hun đúc nên tinh thần chiến đấu quật cường, vượt qua mọi khó khăn, hiểm nguy để lao động sản xuất và đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược. Trong cuộc đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do cho đất nước của nhân dân ta có biết bao nhiêu người con ưu tú, yêu nước đã ngã xuống hy sinh nơi chiến trường khốc liệt để xây nên giang sơn gấm vóc hôm nay. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Máu đào của các liệt sỹ ấy đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của các liệt sỹ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do”. Chiến tranh kết thúc, trong số những người con trở về từ trận tuyến cũng có không ít người đã để lại một phần máu thịt của mình nơi chiến trường, các anh mang trên mình những thương tật vì lý tưởng cách mạng cao đẹp ấy.

Năm 1946, khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa mới ra đời, với bao công việc bộn bề nhưng Người vẫn dành thời gian để thăm hỏi đồng bào, chiến sỹ cả nước. Trong Thư gửi đồng bào Việt Nam, người Pháp và người thế giới, Người viết: “Tôi nghiêng mình trước anh hồn những chiến sỹ và đồng bào Việt Nam, đã vì Tổ quốc mà hy sinh tính mệnh”. Ngày 16-2-1947, trên cương vị Chủ tịch nước, Người ký Sắc lệnh số 20/SL ban hành chế độ hưu bổng thương tật và tiền tử tuất. Đây là văn bản pháp quy đầu tiên đặt nền tảng cho chính sách thương binh, liệt sỹ của nước ta.

Thực hiện chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hội nghị Hội nghị Chính phủ họp tháng 6/1947 ở xã Phú Minh (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) đã bàn bạc, nhất trí, đề nghị lấy ngày 27-7-1947 làm “Ngày thương binh toàn quốc” đầu tiên để nhân dân Việt Nam có dịp tỏ lòng hiếu nghĩa, tình cảm thắm thiết và lòng biết ơn sâu sắc tới các thương binh, gia đình liệt sỹ và những người có công với Tổ quốc, với nhân dân. Năm 1955, Đảng và Nhà nước quyết định đổi ‘Ngày Thương binh toàn quốc’ thành ‘Ngày Thương binh – Liệt sĩ’ để thể hiện đầy đủ tình cảm, đạo lý, nghĩa vụ, trách nhiệm của Đảng, Nhà nước ta cũng như các thế hệ người Việt Nam đối với những người đã cống hiến, hy sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân.

Nhân kỷ niệm “Ngày thương binh toàn quốc” đầu tiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư kêu gọi đồng bào giúp đỡ thương binh, liệt sỹ, bức thư đăng trên Báo Vệ Quốc quân số 11 ra ngày 27/7/1947 có đoạn viết: “Đang khi Tổ quốc lâm nguy, giang sơn, sự nghiệp, mồ mả, đền chùa, nhà thờ của tổ tiên ta bị uy hiếp, cha mẹ, anh em, vợ con, thân thích, họ hàng ta bị đe dọa. Của cải, ruộng nương, nhà cửa, ao vườn, làng mạc ta bị nguy ngập. Ai là người xung phong trước hết để chống cự quân thù, để giữ gìn đất nước cho chúng ta. Đó là những chiến sỹ mà nay một số thành ra thương binh… Vì vậy Tổ quốc, đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy”.

Người còn viết thư căn dặn Ban thường trực của Ban Tổ chức ‘Ngày thương binh toàn quốc’ (1947): “Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào…. Ngày 27 tháng 7 là một dịp cho đồng bào ta tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái, là tỏ ý yêu mến thương binh… Tôi xin xung phong gửi một chiếc áo lót lụa của chị em phụ nữ đã biếu tôi, một tháng lương của tôi, một bữa ăn của tôi, và của các nhân viên tại Phủ Chủ tịch, cộng là một nghìn một trăm hai mươi bảy đồng (1.127đ.00)”.

Trong kháng chiến, dù bận nhiều công việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành cho thương binh, bệnh binh những tình cảm yêu thương, quý trọng. Sau các chiến dịch, chỉ đạo việc quân, Người thường quan tâm công tác chăm sóc thương, bệnh binh, Người ân cần thăm hỏi, tặng quà từ tiền tiết kiệm và đồ dùng của mình để thêm phần chăm sóc cho thương binh. Ngày 12 tháng 5 năm 1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thêm mấy điểm vào bản Di chúc lịch sử: “Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sỹ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong…), Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”. Đối với các liệt sỹ, mỗi địa phương (thành phố, làng xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sỹ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta”… Trong mấy điểm ấy, điều mà Người căn dặn toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta phải ghi nhớ là ngay sau khi cuộc chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đã hoàn toàn thắng lợi, công việc đầu tiên đối với con người là chăm lo cho thương binh và những người có công trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước cũng như đối với gia đình của họ.

Suốt 70 năm qua, kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh Chỉ thị chọn “Ngày thương binh, liệt sỹ” và 42 năm cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi hoàn toàn, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đã ra sức thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh, gắng sức đền ơn, đáp nghĩa người có công với nước. Các chính sách, chỉ thị, pháp lệnh của Đảng và Nhà nước về chăm sóc thương binh, gia đình liệt sỹ, người có công đã phát huy cao độ truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, lòng yêu nước của đồng bào cả nước. Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh phong trào chăm nom, giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sỹ của nhân dân ta diễn ra hết sức sôi nổi, đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Từ sau ngày Tổ quốc thống nhất, phong trào được tổ chức ngày càng chặt chẽ, có tính chất thiết thực hơn, thể hiện ở việc tìm hài cốt liệt sỹ trên các chiến trường xưa trong cả nước và trên đất nước bạn Lào, Cam-pu-chia; trong việc xây dựng, sửa sang, chăm lo nghĩa trang liệt sỹ, xây nhà tình nghĩa cùng những công việc “Đền ơn, đáp nghĩa” khác…

Phát huy truyền thống uống nước, nhớ nguồn của dân tộc, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quá trình nhận thức của Đảng Cộng sản Việt Nam về vấn đề chính sách đối với thương binh, liệt sỹ được liên tục thể hiện qua các kỳ đại hội của Đảng từ Đại hội VI đến nay.

Đối với thương binh, liệt sỹ, Nghị quyết Đại hội VI của Đảng chỉ rõ phải “thực hiện tốt chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sỹ, gia đình cán bộ, chiến sỹ chiến đấu ngoài mặt trận, gia đình có công với cách mạng…”.

Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội và các Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương khóa VII, công tác thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng được quan tâm khá toàn diện, bao phủ hầu hết các đối tượng có công với nước. Để tạo điều kiện cho việc quy tập mộ liệt sỹ và xây dựng các nghĩa trang làm nơi an nghỉ cho các liệt sỹ, ngày 05-5-1993, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 20-CT/TW về công tác mộ nghĩa trang liệt sỹ, yêu cầu các cấp, các ngành cần có những biện pháp tích cực để trong vài năm tới giải quyết một bước cơ bản việc tìm kiếm quy tập mộ liệt sỹ vào các nghĩa trang liệt sỹ.

Để toàn Đảng, toàn quân và toàn dân thực hiện tốt hơn nữa chủ trương của Đảng đối với thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng, khắc phục những khó khăn, bất cập trong cuộc sống của một bộ phận người có công, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, khu căn cứ kháng chiến và những địa phương có nhiều đối tượng hưởng chính sách ưu đãi; khắc phục hậu quả chiến tranh, đẩy mạnh việc tìm kiếm và quy tập mộ liệt sỹ; thúc đẩy phong trào đền ơn đáp nghĩa ở một số địa phương, ngày 14-12-1996, Bộ Chính trị ra Chỉ thị số 09-CT/TW về việc mở đợt vận động kỷ niệm 50 năm Ngày thương binh, liệt sỹ. Chỉ thị yêu cầu các bộ, ngành, các cấp ủy Đảng và chính quyền tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các chế độ, chính sách theo Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng; tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa việc chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, giúp đỡ những người có công khác; thực sự đổi mới việc chăm lo giáo dục, đào tạo các thế hệ con em của người có công với cách mạng, có chính sách bảo đảm những điều kiện thuận lợi cho con của liệt sỹ, anh hùng, thương binh, bệnh binh được học tập, làm việc để tham gia tốt các hoạt động xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) được Đại hội XI của Đảng thông qua, khẳng định “Hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội. Thực hiện tốt chính sách đối với người và gia đình có công với nước”. Để tiếp tục đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo, ngày 15 tháng 5 năm 2013, Bộ Chính trị đã có Chỉ thị số 24-CT/TW, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 1237, phê duyệt thực hiện Đề án tìm kiếm, quy tập HCLS từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo.

Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” thời gian qua phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu. Cả nước tham gia đóng góp xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”. Việc xã hội hóa công tác “Đền ơn đáp nghĩa” mang lại những kết quả to lớn, thực sự huy động được sức mạnh của toàn xã hội tự nguyện tham gia phong trào, gánh vác trách nhiệm cùng Nhà nước chăm lo đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng. Theo thống kê cho đến nay, cả nước có gần 7.000 các công trình ghi công liệt sỹ, trong đó có 237 đài tưởng niệm liệt sỹ, 3.540 nhà bia ghi tên liệt sỹ,… và 3.077 nghĩa trang liệt sỹ với tổng số mộ có trong nghĩa trang là trên 780.000, số mộ có đầy đủ thông tin trên 630.000 và khoảng 303.000 mộ thiếu thông tin, hơn 208.000 hài cốt liệt sỹ chưa phát hiện, tìm kiếm quy tập được. Nhiều công trình ghi công liệt sỹ trở thành công trình lich sử văn hoá, có sức thuyết phục lớn về mỹ thuật, đạo đức, giáo dục.

Hầu hết người có công và thân nhân của họ đã được hưởng các chế độ ưu đãi của Nhà nước, đời sống ổn định và từng bước được cải thiện, góp phần ổn định chính trị, xã hội, củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước. Bên cạnh đó, việc xây dựng xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng đã trở thành phong trào thi đua và được cấp ủy, chính quyền các cấp, các đoàn thể đưa vào kế hoạch phấn đấu hằng năm, tạo không khí lành mạnh ở cơ sở. Hơn lúc nào hết, trách nhiệm và tình cảm đối với người có công với cách mạng đã trở thành một nội dung quan trọng trên các diễn đàn và truyền thông đại chúng, trở thành nét đẹp trong đời sống văn hóa Việt Nam. Đó là sự chuẩn bị cần thiết để công tác thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng có bước phát triển mạnh mẽ.

Điều đó cho thấy, Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, có nhiều chủ trương, giải pháp về công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xây dựng và tôn tạo nhiều công trình tưởng niệm… thể hiện sự tri ân, tôn kính, biết ơn và ghi nhớ sâu sắc công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ; từng bước đáp ứng nguyện vọng của thân nhân, gia đình liệt sĩ và nhân dân trong cả nước; góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, yêu nước đối với các thế hệ người Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ.

Tư tưởng và tấm gương đạo đức của Hồ Chí Minh không chỉ nâng cao nhận thức cho các thế hệ tiếp sau mà đã và đang phát huy mạnh mẽ trong cuộc sống hằng ngày bằng những hành động cụ thể đối với thương binh, liệt sỹ. Đặc trưng nổi bật trong tư tưởng Hồ Chí Minh với thương binh, liệt sỹ là chủ nghĩa nhân văn mà cốt lõi là lòng thương người. Ở Hồ Chí Minh, lòng thương người phát triển với mức độ cao; nó đồng nghĩa với việc thực hiện các quyền cơ bản về sự phát triển toàn diện của con người. Từ lòng yêu thương những người nghèo khổ ở quê hương, những người đi phu làm đường bị đánh đập, đói khát, đồng bào bị áp bức, bóc lột, Nguyễn Ái Quốc mở rộng đến sự thông cảm, yêu thương tất cả nhân dân lao động trên thế giới, kính trọng những người dũng cảm hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc mình. Lòng thương người của Hồ Chí Minh thể hiện ở sự đồng cảm với những người thân trong gia đình có con, em đã ngã xuống vì hy sinh cho Tổ quốc.

Lòng thương người gắn với lòng kính yêu thương binh, liệt sỹ quyện chặt vào nhau, nâng cao ý thức giáo dục đạo đức, tư tưởng chính trị phù hợp với yêu cầu và nhiệm vụ cách mạng của đất nước, dân tộc. Không phải sự mất mát nào cũng làm chúng ta kính trọng, học tập, dù có thương cảm, mủi lòng, ngoại trừ hy sinh cho đất nước, làm cho cuộc sống hiện tại và tương lai mãi mãi tồn tại và phát triển. Tính nhân văn trong tư tưởng Hồ Chí Minh về thương binh, liệt sỹ không chỉ là sự tiếc thương, ngậm ngùi, đau xót và tự hào, mà còn gợi lên tinh thần bất khuất, làm hồi sinh sức sống mãnh liệt của cả dân tộc, của những người hy sinh, những người cống hiến một phần cơ thể của mình cho đất nước, cách mạng và gia đình thương binh, liệt sỹ. Ở Hồ Chí Minh, chúng ta nhận thấy rằng, Người đã làm cho sự hy sinh, mất mát của liệt sỹ, thương binh, gia đình, dân tộc càng thêm cao đẹp hơn bằng cách gắn sự tổn thất này vào ý thức của những người còn sống về nghĩa vụ và trách nhiệm của mình đối với những người đã hy sinh, những mất mát của những người đã chiến đấu và gia đình họ. Vì vậy, Hồ Chí Minh đã làm cho những điều vinh quang càng vinh quang và đáng tự hào hơn, trách nhiệm của những người còn sống, gia đình và nhân dân càng nặng nề hơn.

Tình cảm lớn lao Bác dành cho dân tộc ta, non sông ta nói chung và thương binh, bệnh binh, các gia đình có công với nước nói riêng thật lớn lao như trời biển. Ngày nay được sống trong cảnh đất nước thanh bình, chúng ta càng nhớ tới công lao và sự hy sinh to lớn của các anh hùng liệt sỹ, các đồng chí thương binh, bệnh binh, những người có công với Tổ quốc và nhân dân. Đó cũng chính là sự tiếp nối thể hiện sâu sắc truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây của dân tộc. Mỗi chúng ta từ những việc làm nhỏ bé, thiết thực hãy làm tốt hơn nữa công tác chăm sóc thương binh liệt sỹ và gia đình chính sách, hãy coi đó là nghĩa vụ thiêng liêng, là niềm vinh dự tự hào.
Nguồn Internet