Trong những năm tháng chuẩn bị cho khởi nghĩa giành chính quyền trong cách mạng tháng Tám năm 1945, Đình Kim Sơn, xã Tân Trào, huyện Kiến Thụy là một địa điểm diễn ra một sự kiện lịch sử hết sức trọng đại, đó là ngày 12 tháng 7 năm 1945, Ủy ban cách mạng lâm thời huyện Kiến Thụy đã chính thức ra mắt nhân dân tại đình làng Kim Sơn.
Đình Kim Sơn được xây dựng vào cuối thời Hậu Lê. Do thần tích của Đình đã bị thất lạc từ lâu nên lịch sử nhân vật được thờ tại di tích hiện chỉ còn lưu truyền trong trí nhớ dân gian rằng đó là một vị thần có công giúp dân Kim Sơn khai hoang lấn biển, lập nên làng xóm từ những thế kỷ trước. Đặc biệt còn dạy dân nghề làm muối (bởi xưa kia, vùng đất này còn khá gần biển). Do vậy khi mất, nhân dân địa phương lập đình thờ, suy tôn làm thành hoàng làng với tư cách là vị tổ nghề diêm (nghề làm muối).
Đình Kim Sơn hiện là một kiến trúc khá đẹp, duyên dáng giữa làng quê thanh bình. Đình có kiến trúc kiểu chồng diêm hai tầng mái đao cong, lợp ngói mũi. Bộ khung làm bằng gỗ lim.
Trong những năm tháng chuẩn bị cho khởi nghĩa giành chính quyền trong cách mạng tháng Tám năm 1945, Đình Kim Sơn, xã Tân Trào, huyện Kiến Thụy là một địa điểm diễn ra một sự kiện lịch sử hết sức trọng đại, đó là ngày 12 tháng 7 năm 1945, Ủy ban cách mạng lâm thời huyện Kiến Thụy đã chính thức ra mắt nhân dân tại đình làng Kim Sơn.
Ngay từ năm 1944, phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân Kim Sơn dưới sự lãnh đạo của Mặt Trận Việt Minh đã phát triển rất mạnh. Nhiều cuộc biểu tình thị uy của nhân dân đã liên tục nổ ra khiến cho chính quyền phong kiến thực dân rất lo sợ. Đến tháng 7 năm 1945, thời cơ cách mạng đã đến, lực lượng cách mạng ở phủ Kiến Thụy đã đứng lên đấu tranh xóa bỏ chính quyền của phong kiến tay sai và thực dân, thiết lập lên chính quyền mới, chính quyền của nhân dân.
Ngày 12 tháng 7 năm 1945 (trước ngày cách mạng tháng Tám năm 1945 nổ ra tại Hà Nội hơn một tháng), tại đình làng Kim Sơn, Ủy ban cách mạng lâm thời, chính quyền cách mạng đầu tiên của vùng Duyên hải Bắc Bộ đã chính thức ra mắt nhân dân và được nhân dân nhiệt tình ủng hộ. Chiều ngày 12 tháng 7 năm 1945, Ủy ban cách mạng Kim Sơn cùng các lực lượng tự vệ đến trường học xã Cổ Trai trấn áp cuộc họp của nhóm thanh niên Đại Việt. Viên tri phủ và bọn phản cách mạng phải đầu hàng và xin tha tội. Lá cờ “quẻ ly” của chính quyền thân Nhật phải hạ xuống. Cuộc họp của bọn chúng đã trở thành diễn đàn tuyên truyền cách mạng, vạch mặt bọn bán nước.
Chính quyền cách mạng Kim Sơn ra đời làm cho giặc Nhật lo ngại về một cuộc bùng nổ không thể ngăn chặn được. Do vậy, giặc Nhật ráo riết chuẩn bị đàn áp phong trào cách mạng ở Kim Sơn. Lực lượng tự vệ ở Kim Sơn đã cùng với nhân dân tích cực rào làng chiến đấu, tăng cường canh gác phòng gian, củng cố căn cứ, đề cao tinh thần cảnh giác. Tại phía bắc làng, một công sự lớn đã được xây dựng. Các vũ khí thô sơ như gạch đá, nước điếu, thuốc lào, gậy, mã tấu, súng kíp, lao tre vót nhọn…tất cả những gì dùng được cho chiến đấu đều được lực lượng tự vệ chuẩn bị, sẵn sàng chiến đấu tiêu diệt địch. Ngày 04/8/1945, giặc Nhật gồm 50 tên lính bảo an do 2 tên sỹ quan Nhật chỉ huy tấn công vào Kim Sơn. Khi địch đến đầu làng, tiếng trống Kim Sơn nổi lên cùng với tiếng chuông chùa, chuông nhà thờ, tiếng thanh la, tiếng mõ rúc liên hồi, rộn ràng khắp làng, thúc giục ý chí chiến đấu của quân và dân Kim Sơn. Cùng với nhân dân Kim Sơn, các làng xã lân cận như Đoan Xá, Lão Phong, Kính Trực, Sâm Linh, Cốc Liễn và Vinh Quang (Tiên Lãng) cũng hăng hái tiến về Kim Sơn góp sức chiến đấu chống phát xít Nhật, bảo vệ chính quyền cách mạng. Bằng ý chí kiên cường, bất khuất, lực lượng tự vệ và nhân dân Kim Sơn đã chiến đấu suốt 5 giờ liền, buộc giặc phải rút lui. Sau cuộc chống càn vang dội ấy, ngày 15/8/1945 các lực lượng ở Kim Sơn lại nhanh chóng kéo về giành quyền ở phủ lỵ Kiến Thụy và tỉnh lỵ Kiến An vào ngày 22/8/1945, cùng cả nước làm lên cách mạng tháng Tám năm 1945 vĩ đại.
Từ sau sự kiện lịch sử trọng đại này, đình Kim Sơn, xã Tân Trào đã đi vào lịch sử của cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945 tại thành phố Hải Phòng như một địa danh đầu tiên châm ngòi cho cuộc cách mạng mà ngôi đình của làng Kim Sơn luôn tồn tại với tư cách là một minh chứng lịch sử.
Nguồn Thành đoàn HP