Huyện Kiến Thuỵ thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP

Thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP với mục tiêu phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị, UBND huyện ban hành các kế hoạch, thành lập Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm tham gia Chương trình OCOP; tổ chức tập huấn về OCOP cho các xã, thị trấn và một số chủ thể OCOP có sản phẩm tiềm năng.

Để nâng tầm sản phẩm OCOP tạo thành phong trào sâu rộng trong Nhân dân, huyện đã đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến nội dung Chương trình OCOP thông qua nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức trong cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân, nhất là chủ thể sản xuất hiểu rõ về lợi ích, giá trị kinh tế tích cực trong thực hiện Chương trình OCOP. Từ đó, gắn kết sản xuất và tiêu thụ, nâng cao chất lượng sản phẩm, thể hiện đặc trưng, thế mạnh của địa phương, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đẩy mạnh sản xuất, đầu tư, phát triển ngành nghề truyền thống, thiết thực góp phần đổi mới nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Là một trong những tổ chức đoàn thể thể tích cực thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP, Hội Nông dân huyện Kiến Thuỵ đã phối hợp với Phòng NN&PTNT tích cực vào cuộc, triển khai sâu rộng Chương trình đến các chi hội cơ sở và hội viên nông dân. Tham gia chương trình, cán bộ, hội viên nông dân được chia sẻ kinh nghiệm trong thực hiện Chương trình OCOP tại địa phương; được nghe thông tin về những chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP như: Tiêu thụ sản phẩm, sử dụng tem nhãn truy xuất nguồn gốc sản phẩm; quy trình công nhận sản phẩm OCOP; quảng bá sản phẩm OCOP…

 

Trên địa bàn huyện có 22 sản phẩm được đánh giá xếp hạng OCOP thành phố; trong đó 10 sản phẩm 4 sao, 12 sản phẩm xếp hạng 3 sao. Các sản phẩm được xếp hạng  tập trung vào một số sản phẩm thủ công mỹ nghệ của nghệ nhân tiêu biểu như: Bộ Cửu long tranh châu; Đôi đèn gốm kiểu nhà Mạc; Tượng Bồ tát quan âm; bộ Tứ quý; bình Phù diêu hoa sen; bộ Doanh nhân Việt Nam Lý Thái Tổ và một số sản phẩm thực phẩm truyền thống như: Cá mòi kho Thái Tín, Chả cá chày Đại Hợp, Rượu Đế vương, bánh đa Đông Phương và Cá Mòi viên sườn sụn sốt cà, Nấm đông trùng hạ thảo khô và một số sản phẩm OCOP được nuôi, trồng mang lại giá trị kinh tế cao như: Gạo ruộng rươi, mật ong hoa rừng ngập mặn, nấm Đông trùng hạ thảo, trà sen và tinh bột củ sen…

 

Từ thực tế triển khai thực hiện Chương trình OCOP cho thấy, với tiềm năng, thế mạnh sẵn có của địa phương, sẽ là điều kiện thuận lợi để huyện Kiến Thuỵ thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với chế biến, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập của người dân trên địa bàn huyện trong thời kỳ hội nhập và phát triển./. 

                                                                                                                                                                                        Bùi Thuỳ