Nhằm khẳng định công lao và tôn vinh những đóng góp to lớn của Thái tổ Mạc Đăng Dung và Vương triều Mạc trong tiến trình dựng nước và giữ nước của dân tộc, nhân kỷ niệm 482 năm ngày mất của Thái Tổ Mạc Đăng Dung (22/8 năm Tân Sửu 1541 – 22/8 năm Quý Mão 2023), tại Di tích lịch sử Khu tưởng niệm Vương triều Mạc (xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy) sẽ diễn ra Lễ giỗ tưởng niệm 482 năm ngày mất của Thái Tổ Mạc Đăng Dung.
Các đồng chí lãnh đạo thành phố thăm Di tích lịch sử Khu tưởng niệm Vương triều Mạc ngày 28/7/2023.
Lễ giỗ được tổ chức trong 3 ngày, từ ngày 05/10 đến ngày 07/10 (tức ngày 21, 22, 23 tháng Tám năm Quý Mão), gồm: Lễ dâng hương, Lễ cúng giỗ, Lễ giã đám… Ban quản lý Di tích Khu tưởng niệm các Vua nhà Mạc thông báo và kính mời Quý vị đại biểu, cán bộ, nhân dân trong và ngoài huyện, quý khách thập phương, con cháu họ Mạc, gốc Mạc trong cả nước về tham dự góp phần thành công của buổi lễ.
Thái Tổ Mạc Đăng Dung sinh ra tại làng Cổ Trai, huyện Nghi Dương, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương, nay là thôn Đại Thắng, Đương Thắng, xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy. Thời trai trẻ ông là người có sức khỏe, võ nghệ đảm lược. Ông đi thi trúng Đô lực sĩ xuất thân, được sung vào quân túc vệ. Hơn 20 năm, ông làm quan dưới 4 triều vua Lê: Uy Mục, Tương Dực, Chiêu Tông, Cung Hoàng, lập nhiều công lớn, dẹp yên nhiều cuộc nổi loạn, được thăng đến tước Vũ xuyên Bá, Vũ xuyên Hầu, rồi nắm giữ Tiết chế các doanh thủy quân, lục quân của 13 đạo, đảm nhiệm quyền chỉ huy binh mã cả nước. Vào thời vua Cung Hoàng, nhà Lê phải xuống Chiếu nhường ngôi cho Mạc Đăng Dung.
Các đồng chí lãnh đạo thành phố dâng hương tại Di tích lịch sử Khu tưởng niệm Vương triều Mạc ngày 28/7/2023.
Sau khi lên ngôi, ngoài việc củng cố, xây dựng, kiến thiết kinh thành Thăng Long, Mạc Đăng Dung đã hướng về quê hương, lập cung điện ở Cổ Trai và sau này con trai Mạc Thái Tông đã cho xây dựng điện Hưng Quốc, điện Phúc Hưng, điện Tường Quang và nhiều công trình có quy mô lớn. Dương Kinh trở thành kinh đô thứ 2 của nhà Mạc ở vùng ven biển, một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của nước Đại Việt.
Trong thời gian nắm quyền, Thái Tổ Mạc Đăng Dung bằng tài trí văn võ song toàn, dùng võ công định đoạt thiên hạ, dùng nhân đức để trị quốc an dân, lấy văn giáo để rèn luyện nhân tài, lấy tư duy đổi mới thực thi chính sách cách tân, tiến bộ để phát triển nông, công, thương, xây dựng một xã hội giàu mạnh, ấm no. Công lao của Thái Tổ Mạc Đăng Dung và Vương triều Nhà Mạc đối với tiến trình dựng nước và giữ nước của dân tộc ta là vô cùng to lớn.
Để ghi nhận công lao to lớn của Đức Thái Tổ và Vương triều Mạc, tháng 9/2009, Khu tưởng niệm các vua nhà Mạc đã được khởi công xây dựng trên diện tích 10,5 ha, đây là một trong những công trình trọng điểm chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Năm 2016, nhân dịp kỷ niệm 475 năm ngày mất Thái Tổ Mạc Đăng Dung, UBND thành phố công nhận Khu tưởng niệm các Vua nhà Mạc là Di tích lịch sử cấp thành phố. Năm 2020, có 03 hiện vật thời Mạc là: Long đao (hiện lưu giữ tại Khu tưởng niệm Vương triều Mạc); Tượng Thái tổ Mạc Đăng Dung và Phù điêu Thái Hoàng Thái Hậu Vũ Thị Ngọc Toàn (hiện được thờ tại chùa Trà Phương, xã Thụy Hương) được Thủ tướng Chính phủ vinh danh là bảo vật quốc gia. Điều này, một lần nữa khẳng định Vương triều Mạc có vị trí quan trọng trong lịch sử, có những đóng góp tích cực, xứng đáng với truyền thống anh hùng dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử thành phố