4. Ngọn khoai luộc chấm mắm cáy
Ngọn khoai lang non (tháng 3 trở đi, có mưa rào, ngọn khoai rất mỡ và non )
Cách chế biến:
Trước tiên nhặt sạch ngọn khoai, cấm vợi lá ( chỉ để ngọn và lá non), rửa sạch, để ráo.Nước luộc ngọn khoai cho thêm ít muối, đun thật sôi, cho ngọn khoai vào luộc chín tới, ngon rau xanh, vớt ra để ráo. Phi thơm tỏi, cho rau vào đảo qua, nêm muối, mí chính vừa ăn. Khi ăn chấm mắm cáy thì ngon tuyệt.
5. Mọc ( làng Đại Trà – xã Đông Phương)
Ở Đại Trà – Đông Phương trước đây trong bữa cỗ sang trọng không thể thiếu đĩa mọc.
Nguyên liệu: thịt thăn lợn, trứng gà, nước mắm, hạt tiêu, hành, mì chính
Cách chế biến:
Để làm món mọc trước hết phải chọn thịt thăn, rửa sạch, thái dọc thớ thịt để giữ được độ dai. Cho gia vị vào bóp nhừ, đặt vào đĩa, cho vào nồi hấp cách thủy cho chín, rồi cho một lớp lòng trắng trứng, tiếp một lớp lòng đỏ trứng lên mặt trông vừa đẹp vừa ngon. Cắt mọc thành từng miếng vừa ăn, dùng kèm rau thơm và uống rượu trắng mới thấy hết vị đậm đà của nó.
6. Vịt bó đất nướng ( xã Tân Phong) – tiến Vua khao quân
Tân Phong là một dải đất ven sông nên việc nuôi vịt rất phát triển. Tương truyền thời Mạc, vịt nhà nào cũng nuôi đầy nhà, đầy sông. Khi vua thống lĩnh ba quân và huấn luyện tại cánh đồng Hàm Long, nhân dân đã đem đàn vịt đến hiến tặng. Nhà vua nghĩ phải giữ nguyên vị đượm của thịt vịt nên đã truyền lệnh làm món vịt bó đất nướng.
Vịt nguyên con còn sống, lấy đất thịt ven sông chát kín con vịt và lấy rơm nếp đốt, trong chốc lát hàng trăm bếp nướng vịt đã mọc lên khao hàng nghìn quân. Ai cũng khen ngon. Từ đó món vịt bó đất nướng đã thành món ăn đặc sản của địa phương.
7. Món cá chép hóa rồng nhả ngọc
Xuất phát từ truyền thuyết dân gian cá chép hóa rồng của dân làng Lão Phú, nhân dân thường làm món ăn này trong ngày 23 tháng chạp gắn với ngày Táo quân lên trời.
Cá chép moi ruột và thêm các gia vị đem hấp cách thủy. Khi cá chín đặt vào đĩa trang trí một vài lá rau thơm và đặt một quả trứng gà ở miệng ( tượng trưng cho rồng nhả ngọc).
8. Phèo lợn nái
Phèo là phần tiếp giáp ngay với dạ dày ( dạ con) chỉ có ở lợn nái. Khi cạo xong lông lợn thật sạch lợn được đặt trên tấm phản gỗ hoặc chõng tre, dùng dao sắc mổ phanh bụng lợn. Lật lòng lên là phải bắt phèo ngay. Nếu bắt chậm phèo sẽ chuyển liền với ruột non thì không đảm bảo độ sạch.
Phèo bắt xong đem rửa sạch trần nước sôi chín tới mới giòn và ngon( nếu trần chín quá sẽ bị mất màu trắng và bị đắng) khi vớt ra cần để ráo nước và thái khoanh hơi chéo cho đẹp mắt. Khi ăn nên chấm với nước mắm ngon hoặc mắm tôm có ớt tiêu bắc và rau lộc.
9. Đầu khấu lợn xào dưa chua.
Đấu khấu lợn là đoạn ruột già cuối cùng của lợn. Để chế biến món đầu khấu xào dưa chua cần đầu khấu: 500g, mỡ nước 10g, dưa cải nén 500g hành tươi, mì chính, rau mùi tàu, hạt tiêu, muối, mắm nước vừa đủ.
Cách chế biến:
Đầu khấu lợn bóp qua muối rửa sạch, chần nước nóng. Sau đó thái mỏng thành miếng ướp hành, mì chính, nước mắm vừa đủ rồi chiên với mỡ nước. Sau đó dùng dưa cải nén thái miếng cho vào đun, đảo đều khi chín tới rắc rau mùi tàu, hạt tiêu và gia vị cho dậy mùi thơm. Bắc ra ăn nóng.
10. Gỏi cá mè( xã Hữu Bằng)
Nguyên liệu: Cá mè: 1kg, riềng củ:300g,dấm chua hoặc mẻ: 10g, hành tươi hoặc hành khô: 15g, bột gạo( thính): 300g, cà chua 300g đường 10g, mỡ nước 20g, giấy bản 2 cuộn, khế chua, chanh, nước mắm, muối, ớt tươi, mì chính, hạt tiêu, rau thơm, quả chuối xanh vừa đủ
Cách chế biến:
Cá mè còn tươi trên 1kg( mới bắt ở sông hoặc ao lên, ao phải là ao thoát nước tránh ao tù cá sẽ hôi) thả vào thùng hoặc chậu nước để xả chất rớt bùn trong bụng cá ra. Dùng dao chà róc hết vảy, chặt vây, đuôi, móc mang, rửa thật sạch. Dùng rơm hoặc giẻ sạch lau thật khô mình cá. Mổ bụng vàn ruột, lau sạch dùng giấy bản thấm khô. Lọc thịt riêng đầu và xương để riêng dùng việc khác. Thịt cá ra thanh dần mềm thái mỏng để vào rổ tre hoặc dần sàng có lót lá chuối lau sạch. Riềng gọt sạch thái mỏng giã nhỏ vắt nước, dùng bột riềng trộn với thịt cá cho săn lại không còn mùi tanh, bày ra đĩa.
Nấu dấm chua ngọt:Nước dấm( bỗng rượu hoặc nước mẻ lọc) nấu với cà chua, hành ớt tươi nêm mì chính, muối, bột gạo khuấy đều, đun chín cho đường, chế mỡ nước nếm thử có vị vừa chua vừa ngọt là được.
Qủa chuối xanh tước vỏ thái lát, rau lộc chủ yếu là lá mơ, lá sắn, lá sung non, lá đinh lăng, rau răm mùi và rau húng cho lộc vào bát kèm chuối xanh gắp gỏi cá thả vào, rưới nước dấm nóng. Nhưng nên nhớ “ gỏi thèm, nem thừa”. Vì thế không nên ăn quá no về gỏi cá.
Nguồn:Kiến Thụy xưa và nay