Sáng mãi vùng quê cách mạng Tân Phong

Theo dòng Đa Độ hướng ra biển, trở về xã Tân Phong- vùng đất anh hùng, nơi có di tích lịch sử cách mạng Đầm Bầu, từng là căn cứ địa cách mạng kiên trung. 80 năm trôi qua, Tân Phong không chỉ gìn giữ, phát huy giá trị lịch sử cách mạng quý báu, mà còn chuyển mình mạnh mẽ, trở thành miền quê trù phú, đáng sống.
Từ Đầm Bầu…
Trong cuốn Lịch sử Đảng bộ huyện Kiến Thụy (1930-2024) và Lịch sử Đảng bộ xã Tân Phong, năm 1944, phong trào cách mạng lan rộng, sục sôi khắp vùng. Trước chuyển biến nhanh của tình hình mới, nhiều cán bộ có kinh nghiệm được tăng cường về các địa phương, gấp rút chuẩn bị lực lượng khởi nghĩa. Vì vậy, việc xây dựng tổ chức Đảng để lãnh đạo phong trào càng trở nên cấp thiết.
Ngày 22-9-1944, trên chiếc thuyền nan lênh đênh giữa Đầm Bầu (thôn Kính Trực, tổng Lão Phong), dưới sự chủ trì của đồng chí Phạm Thuyên (Mai Côn), Chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương đầu tiên của huyện được thành lập, với 3 đảng viên gồm các đồng chí: Đặng Quang Chất (tức Đặng Đình Thủy), Đặng Quang Mạc (tức Đặng Quang Thiết), Đinh Văn Kỷ (tức Thành Nam). Đồng chí Đặng Quang Chất được chỉ định làm bí thư chi bộ. Đây là lớp đảng viên Hoàng Văn Thụ và là Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ra đời ở huyện Kiến Thụy.
Sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là kết quả quá trình đấu tranh bền bỉ trước ách thống trị của thực dân, phong kiến, với tinh thần dũng cảm, mưu trí và không sợ hiểm nguy của những chiến sĩ cách mạng tiền bối. Điều này cũng đánh dấu bước trưởng thành của phong trào cách mạng trong vùng, làm cơ sở cho việc hình thành, xây dựng và phát triển lớn mạnh Đảng bộ Kiến Thụy ngày nay.
Để trân trọng, gìn giữ giá trị to lớn đó, năm 2006, được sự quan tâm chỉ đạo của thành phố và huyện Kiến Thụy, khu di tích lịch sử Đầm Bầu được khởi công xây dựng trên diện tích hơn 1.500 m2. Đầu năm 2009, nhà tưởng niệm được xây dựng và khánh thành đúng vào dịp Đảng bộ huyện kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của huyện (ngày 22-9-2009), đưa nơi đây trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ, cũng là ghi nhận, tri ân công lao của các bậc lão thành cách mạng.

… đến quê hương giàu đẹp, văn minh

Trải qua 80 năm, đời sống mọi mặt của xã Tân Phong có nhiều thay đổi, hòa nhịp đổi mới vươn lên. Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Văn Hiến thông tin, phát huy truyền thống quê hương cách mạng anh hùng, Đảng bộ, nhân dân xã Tân Phong đoàn kết, năng động, sáng tạo, huy động mọi nguồn lực để nâng cao đời sống người dân, phấn đấu trở thành xã kiểu mẫu văn minh, giàu đẹp.
Là địa bàn có nhiều đường giao thông quan trọng đi qua, những năm gần đây, các ngành nghề xây dựng, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ thương mại… của xã có điều kiện phát triển tốt. Xã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, tăng cường sản xuất hàng hóa, áp dụng các mô hình sản xuất chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP… Nhờ vậy, đến nay, mức tăng trưởng kinh tế của xã đạt 15-17%/năm, thu nhập bình quân đạt 80 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt hơn 90%.
Đặc biệt, kết quả đạt được trong xây dựng nông thôn mới tạo đà để Tân Phong thực hiện hiệu quả xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Bà Nguyễn Thị Thiệp (thôn Kính Trực, xã Tân Phong) phấn khởi bày tỏ: Trước đây đường làng lầy lội, chật hẹp, nay trở nên rộng rãi, phẳng phiu, sạch sẽ, rợp bóng cây xanh.
Những con đường hoa nở rực rỡ sắc màu trải dài khắp các ngõ xóm, mang đến làng quê diện mạo mới. Hiện, 100% số hộ gia đình được sử dụng nước sạch, các công trình phục vụ dân sinh được quan tâm xây dựng, nâng cấp; chất lượng chăm sóc, khám chữa bệnh, bảo vệ sức khỏe người dân được nâng cao. Hệ thống các trường mầm non, tiểu học, THCS đạt chuẩn quốc gia; 4/4 làng văn hóa giữ vững danh hiệu làng văn hóa, số hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa đạt bình quân 94%…
Cùng với đó, công tác xây dựng Đảng có nhiều chuyển biến về tư tưởng chính trị, công tác tổ chức cán bộ được quan tâm. Vai trò lãnh đạo của Đảng, hiệu lực quản lý của chính quyền được tăng cường. Hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội có nhiều đổi thay tích cực… Quê hương đổi mới từng ngày càng khẳng định, truyền thống cách mạng là “kim chỉ nam” cho mọi hành động, để làng quê bừng lên sức sống mới, có thêm nhiều cơ hội phát triển trong tương lai.
Báo HP