Sáng ngày 11/10/2023( tức ngày 29/8/2023), xã Thanh Sơn tổ chức động thổ khởi công xây dựng nhà bia tiến sỹ nho học tại văn miếu Xuân do anh hùng lao động, tiến sỹ khoa học Phạm Văn Trung kính tặng.
Trong bia ký trùng thuật Văn miếu huyện Nghi Dương có ghi, thời hậu Lê, có lần nhà vua vi hành về vùng Nghi Dương của phủ Kinh Môn, thấy sông núi hữu tình nên dừng lại nghỉ chân. Sau khi tuần xét thấy trên đỉnh núi Đối có 5 tòa thạch, dáng hình như thánh tọa, vua cho rằng, đây là vùng đất địa linh nên cho phủ Kinh Môn xây văn miếu, tạc tượng Khổng Tử và các đệ tử của ông để tôn thờ. Văn miếu Xuân La được xây dựng từ thế kỷ thứ 15, cách đây đã hơn 400 năm. Vào thế kỷ 16, nhà Mạc lấy Nghi Dương làm kinh đô thứ 2 (gọi là Dương Kinh), Văn miếu Xuân La được coi là một trường thi lớn của Dương Kinh, kinh đô ven biển. Hiện còn một số địa danh quanh văn miếu như Tràng trong, Tràng ngoài, cửa vua, Cửa phủ, quán đá…cho thấy thời kỳ đó văn miếu này là một trường thi lớn. Từ khi có văn miếu Xuân La, sự học ở đất Dương Kinh phát triển mạnh. Người khai khoa đình nguyên của huyện là tiến sĩ Nguyễn Nhân Khiêm (1469), sau đó, chỉ trong vòng 120 năm (1469-1592), huyện Nghi Dương có 12 người đỗ tiến sĩ, trong khi cả Hải Phòng, trong 600 năm mới có 102 vị tiến sĩ. Làng Lê Xá (thuộc xã Tú Sơn) được vinh danh là làng khoa bảng của Hải Phòng, có 7 tiến sĩ. Trong đó, có ông Bùi Phổ là thành viên hội tao đàn triều Lê, là một trong 28 ngôi sao sáng trong làng nho sĩ nước Việt thời bấy giờ”… Hiện văn miếu Xuân La được xây dựng lại trên nền đất cũ rộng 1800m2 gồm 1 cung thánh 2 tầng mái đao, lợp ngói vẩy cá; toà văn thánh 3 gian thờ Khổng Tử ở chính giữa, 2 bên tả và hữu thờ bia ghi văn thánh kiến trúc theo kiểu thuận chồng, mái ngoài bít nóc đao cong, lợp ngói vẩy.
Tháng 8- 2010, văn miếu Xuân La đã được công nhận là di tích lịch sử cấp thành phố. Từ nhiều năm nay, ngoài lễ thánh và tưởng nhớ hiền tài vào ngày 18 tháng Giêng, văn miếu Xuân La là nơi tổ chức lễ tuyên dương học sinh giỏi của huyện, xã và các dòng họ trong làng. Đây còn là nơi câu lạc bộ thơ Dương Kinh tổ chức sinh hoạt thường kỳ, nhiều cuộc giao lưu văn hóa với các nhà thơ, nhà văn, nhà thư pháp có tiếng trong nước đã được tổ chức thu hút học sinh từ nhiều địa phương tham gia. Xuân La đang dần trở thành vùng đất hiếu học, tiếp nối truyền thống khoa cử của quê hương khi xưa.
Việc xây dựng nhà bia tiến sỹ nho học tại văn miếu Xuân La do Tiến sĩ, AHLĐ Phạm Văn Trung kính tặng nhằm bảo tồn và phát huy truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo của dân tộc Việt Nam nói chung và huyện Kiến Thuỵ nói riêng. Dự kiến công trình được khánh thành đúng dịp ngày hội truyền thống tại Văn Miếu đầu xuân, ngày 18 tháng giêng năm 2024./.