Sáng ngày 27/2, tức ngày 18 tháng giêng năm Giáp Thìn 2024, UBND xã THanh Sơn tổ chức lễ hội truyền thống tại di tích lịch sử văn hóa cấp thành phố Văn miếu Xuân La. Dự lễ hội có đ/cĐỗ Đức Hòa, Bí thư HU, Phạm Văn Định, phó chủ tịch HĐND Huyện, Nguyễn Thị Doan, chủ nhiệm UBKT HU, Lê Văn Dũng, trưởng Ban TG, GĐ TTCT huyện, Phạm Tiến Thuật, phó chủ tịch UBND huyện; đại biểu các phòng, ban, ngành chức năng trong toàn huyện, lãnh đạo các xã, thị trấn và đông đảo nhân dân, du khách đến dâng hương.
Văn miếu Xuân La tọa lạc ở phía Tây – Nam núi Đối, thuộc thôn Xuân La, xã Thanh Sơn, huyện Kiến Thụy. Văn miếu thờ đức Khổng Tử và các vị đỗ Tiến sĩ nho học của huyện Nghi Dương xưa (Kiến Thụy nay) trong thời phong kiến. Văn miếu Xuân La được công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa cấp thành phố tháng 8 năm 2010.
Trong bia ký trùng thuật Văn miếu huyện Nghi Dương có ghi, thời hậu Lê, có lần nhà vua vi hành về vùng Nghi Dương của phủ Kinh Môn, thấy sông núi hữu tình nên dừng lại nghỉ chân. Sau khi tuần xét thấy trên đỉnh núi Đối có 5 khối đá, dáng hình như thánh tọa, vua cho rằng, đây là vùng đất địa linh nên sức cho phủ Kinh Môn xây văn miếu, tạc tượng Khổng Tử và các đệ tử của ông để tôn thờ.
Văn miếu Xuân La được xây dựng từ thế kỷ thứ 15, cách đây đã hơn 500 năm. Vào thế kỷ 16, nhà Mạc lấy Nghi Dương làm kinh đô thứ 2 (gọi là Dương Kinh), Văn miếu Xuân La được coi là một trường thi lớn của Dương Kinh – kinh đô ven biển. Hiện còn một số địa danh quanh văn miếu như Tràng trong, Tràng ngoài, cửa vua, Cửa phủ, quán đá…cho thấy thời kỳ đó văn miếu này là một trường thi lớn.
Từ khi có văn miếu Xuân La, việc học tập ở đất Dương Kinh phát triển mạnh. Người khai khoa đình nguyên của huyện là tiến sĩ Nguyễn Nhân Khiêm (1469), sau đó, chỉ trong vòng 120 năm (1469-1592), huyện Nghi Dương có 12 người đỗ tiến sĩ, trong khi cả Hải Phòng, trong 600 năm mới có 102 vị tiến sĩ. Làng Lê Xá (thuộc xã Tú Sơn-Kiến Thụy) được vinh danh là làng khoa bảng của Hải Phòng với 7 tiến sĩ. Trong đó, có Hoàng giáp (Tiến sĩ) Bùi Phổ là thành viên hội Tao đàn của vua Lê Thánh Tông, là một trong 28 ngôi sao sáng trong làng nho sĩ nước Việt thời bấy giờ.
Văn miếu xưa có quy mô rộng lớn, đẹp và khang trang, sầm uất nhất vùng duyên hải. Toà điện Thánh cột xà bằng đá, tượng thánh Khổng Tử và tứ vị phối thờ (Nhan Tử, Mạnh Tử, Tăng Tử và Tử Tư) được tạc bằng đá xanh cao to như người thật. Toà tiền tế 5 gian làm bằng hỗ lim, chạm khắc cầu kỳ. Bên tả là nhà hội tư văn (các vị trong ban khánh tiết và người có công hiến đất, đóng góp tiền của xây dựng văn miếu), bên hữu là nhà bia tiến sỹ. Mỗi vị tiến sỹ được thờ phụng trong miếu được tạc một bài vị ghi niên hiệu khoa thi, cấp bậc đỗ đạt và chức tước vua ban, cùng tính danh và quê quán được đặt trên lưng rùa. Trước cửa Văn miếu có hồ nước hình bán nguyệt, xung quanh Văn miếu trồng nhiều cây lưu niên cổ thụ.
Văn miếu đã qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa. Lần trùng tu, sửa chữa lớn nhất vào năm Gia Long thứ 7 (1808). Khi đó đã dựng cây “Thạch trụ” bằng đá xanh ghi lại ngày tháng Hội Tư văn ba tổng nam sông Đa Độ lên Văn miếu Thăng Long chép danh sách 14 vị tiến sỹ Nho học của huyện Nghi Dương về khắc vào bia Văn Miếu trùng thuật bia ký đặt tại Văn Miếu xuân La để phúng tế. Lần trùng tu vào năm Minh Mạng Nguyên niên năm (1820), dựng thêm bia “Hà nam tam tổng văn hội bi ký (Hội Tư văn ba tổng nam sông) có ghi danh sách các hương chủ cung tiến tiền và ruộng làm hương hoả cho Văn miếu.
Năm 1947, toàn quốc kháng chiến, thực hiện chủ trương tiêu thổ kháng chiến làng đã dỡ bỏ toà tiền tế, chặt hạ các cây to, chỉ để lại điện thánh. Năm 1951 Thực dân Pháp đã bắn pháo vào Văn miếu làm sập miếu, nhưng 05 pho tượng và 02 bia lớn vẫn đứng uy nghiêm. Năm 1955 Cải cách ruộng đất, chính quyền thu ruộng thánh chia cho dân nghèo, đập phá các tượng đá … Năm 1997, khi một người dân trong làng đào ao tìm thấy được cây thạch trụ bằng đá xanh có bốn mặt rộng 25 cm, cao 1,2 mét, ghi chữ Nho. Được biết đây chính là khối đá của lần trùng tu văn miếu vào năm 1820, thời vua Minh Mạng với nội dung ghi chép trong đó như đã nói ở trên. Đây chính là di vật quý còn lưu giữ lại trong miếu cho đến giờ. Riêng 02 bia: “Văn miếu trùng thuật” và bia: “Hà nam tam tổng” đang được trưng bày tại Bảo tàng thành phố Hải Phòng.Thấy giá trị văn hóa – lịch sử của những vật đào được, dân làng bàn nhau góp công, góp của dựng lại văn miếu, đưa những di vật đào được về thờ. Ban đầu, quy mô của văn miếu còn khiêm tốn, chỉ có một miếu nhỏ để hương khói thờ thánh hiền, một quán tư văn để dân làng và học sinh đến dâng hương, tìm hiểu lịch sử văn miếu.
Năm 2000, UBND xã Thanh Sơn quyết định quy hoạch 1800 m2 đất có nền văn miếu cũ để làm lại văn miếu, đồng thời giao chi hội người cao tuổi thôn Xuân La vận động xây dựng lại văn miếu. Nhiều hộ dân tự nguyện hiến đất vườn, đất thổ cư cho việc xây dựng văn miếu. Sau 2 năm tích cực vận động, đến năm 2002, làng Xuân La xây dựng được 5 gian nhà chính của văn miếu, cung thánh cùng đồ thờ tự, hoành phi, câu đối với tổng kinh phí từ xã hội hóa lên tới gần 600 triệu đồng”. Năm 2017 chính quyền và nhân dân địa phương khởi công trùng tu, sửa chữa Văn miếu. Hiện văn miếu Xuân La được xây dựng lại trên nền đất cũ rộng 1800m2 gồm 01 cung thánh với 2 tầng mái đao, lợp ngói vẩy cá; toà văn thánh 3 gian thờ Khổng Tử ở chính giữa, 2 bên tả và hữu thờ bia ghi văn thánh kiến trúc theo kiểu thuận chồng, mái ngoài bít nóc đao cong, lợp ngói vẩy.
Hiện nay, phong trào học tập ở làng Xuân La có sự chuyển biến lớn. Các dòng họ ở Xuân La đều xây dựng quỹ khuyến học- khuyến tài, duy trì phong trào tuyên dương học sinh giỏi. Xuân La đang dần trở thành vùng đất hiếu học, tiếp nối truyền thống khoa cử của quê hương khi xưa. Từ nhiều năm nay, ngoài lễ thánh và tưởng nhớ các bậc hiền tài được ghi danh trong Văn miếu, vào ngày 18 tháng Giêng, văn miếu Xuân La là nơi tổ chức lễ tuyên dương học sinh giỏi của huyện, xã và các dòng họ trong làng. Năm 2024, UBND xã Thanh Sơn biểu dung 41 sinh viên thi đỗ các trường đại học trong cả nước năm học 2023-2024. Trước đó, ngày 26/2, tức ngày 17 tháng giêng, câu lạc bộ thơ thi đàn văn miếu Xuan La tổ chức giao lưu văn hóa với các nhà thơ, nhà văn, nhà thư pháp ở các quận huyện trong thành phố, thu hút nhiều bạn yêu thơ từ nhiều địa phương tham gia. bCó thể nói, văn miếu Xuân La tiêu biểu cho một di tích lịch sử-văn hóa tôn vinh hiền tài – nguyên khí của quốc gia nói chung và địa phương nói riêng ở Hải Phòng./.